10 sự kiện ICT nổi bật năm 2021
Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2021, trong đó dấu ấn của Chính phủ khá đậm nét.
Năm 2021 là “năm Covid” thứ hai và công nghệ thông tin đã phát huy tối đa vai trò tích cực trong mọi hoạt động điều hành, kết nối trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
1 - Chính phủ kết nối trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc
Ngày 29/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố.
Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc Viettel và VNPT triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Viettel, VNPT đã thực hiện chỉ trong 3 ngày gồm triển khai mạng lưới, thiết bị và hướng dẫn các tuyến xã, phường, thị trấn sử dụng.
Đến chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch.
2- Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 vào ngày 15/6/2021. Bản chiến lược này có vai trò quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới cho công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng của Việt Nam.
Chính phủ điện tử hiểu một cách đơn giản là “bốn Không”: Có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “bốn Có”, gồm: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Bản chiến lược cũng đã đặt ra sứ mệnh và mục tiêu cao cho chặng đường phát triển hướng tới Chính phủ số thời gian tới. Tầm nhìn đặt ra là Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
3 - Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức vận hành
Từ 1/7/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức được vận hành kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân.
Công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú... để thực hiện các giao dịch hành chính.
Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
4- Cấp phép thí điểm Mobile Money cho 3 nhà mạng
Cuối tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thí điểm Mobile Money cho Viettel, VNPT và MobiFone. Mobile Money được thí điểm 2 năm và triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, người dân ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, người dân không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính… thông qua điện thoại di động.
Người dân có thể sử dụng dịch vụ này để thanh toán, chuyển tiền, rút tiền, nạp tiền, thu hộ chi hộ… cho các hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ, hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành
Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho những dịch vụ xuyên biên giới.
5 - Ra mắt PC Covid - ứng dụng quốc gia phòng chống dịch Covid-19
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thống nhất, phát triển 1 ứng dụng phòng chống dịch duy nhất, dưới sự chủ trì của Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã phối hợp cùng các doanh nghiệp gấp rút phát triển ứng dụng chính thức của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.
Được phát triển nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, để Việt Nam có thể “bình thường mới”, ứng dụng PC-Covid có các tính năng chính như: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm, Quét mã QR, Khai báo y tế, Khai báo di chuyển nội địa, Phản ánh của người dân, Thông tin tiêm vắc xin, Thông tin xét nghiệm, Thẻ Covid-19, Truy vết tiếp xúc gần, Mật độ di chuyển, Xu hướng lây nhiễm, Bản đồ nguy cơ...
6 - Ra mắt nền tảng quản lý tiêm chủng phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử
Đầu tháng 7/2021, Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 chính thức vận hành và hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia do Viettel xây dựng và phát triển, bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19; Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng quốc gia; Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
7 - Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số
Ngày 24/9, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vừa được kiện toàn, đổi tên thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ủy ban có 16 thành viên, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng và giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
8 - Thủ tướng phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Ngày 12/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em', nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
9 - Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy với hơn 1,3 tỷ USD
Trong năm 2021, vốn đầu tư rót vào startup tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng kỷ lục, đạt hơn 1,35 tỷ USD, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp
Các lĩnh vực nóng bỏng thu hút nguồn vốn đổ vào là công nghệ tài chính (FinTech), Game Blockchain, giáo Công nghệ giáo dục (edtech), Startup y tế - dược phẩm, thương mại điện tử…
Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, với 3 kỳ lân là VNG, VNLife, MoMo và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD như: Tiki, Topica Edtech...
Những thương vụ đầu tư vào startup được thực hiện, gây ấn tượng mạnh với thị trường như: Tiki gọi vốn thành công như MoMo 300 triệu USD, Tiki 258 triệu USD, VNLife 250 triệu USD, Sky Mavis 152 triệu USD, Equest 100 triệu USD.
10 - Axie Infinity vốn hóa tỷ USD và hiện tượng gameblockchain Việt Nam trên bản đồ thế giới
Tháng 5/2021, Game blockchain theo hình thức chơi để kiếm tiền (play-to-earn) của Axie Infinity thu hút sự chú ý của cả thế giới. Axie Infinity gọi vốn thành công 152 triệu USD từ quỹ đầu tư Andreessen Horowitz, với định giá công ty 3 tỷ USD. Công ty này cũng cho biết game đạt hơn 2 triệu người chơi, trong đó có 38.000 người tham gia hàng ngày.
Sau cú hit từ Axie Infinity, hàng loạt dự án game blockchain ở Việt Nam ra đời chỉ trong thời gian ngắn. Từ những studio mới thành lập đến các công ty truyền thống đều thể hiện tham vọng khai phá thị trường mới nổi này. Các game blockchain "made in Việt Nam" xuất hiện trong năm nay cũng gây ấn tượng mạnh như My DeFi Pet, Bimil, Atlantis, Space, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher, HeroFi...
Bùi Hằng (T/h)