3SR - Green Mini mart được trao chứng nhận TOP 20 giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa của năm 2024
Trạm xanh - 3SR Green Station – là 1 dự án đặc biệt gồm 1 chuỗi bán lẻ thông minh, tích hợp với chuỗi tái nạp thông minh và chuỗi tái chế thông minh.
Trạm xanh - 3SR Green Station được sáng lập bởi TS Bùi Thị Thanh Hương, là một start-up trưởng thành từ các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, là một trong năm dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất của EdTEch Việt Nam 2021, giải Ba sáng tạo Khởi nghiệp VNU, giải đội thi được yêu thích nhất.
3SR được mọi người biết đến như một điểm bán hàng tiện lợi xanh, với Smart retails bán các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
Khách hàng mua hàng tại các trạm bán hàng tự động bằng các hình thức thanh toán (tiền mặt, QRcode, thẻ RFID/NFC) đồng thời cũng đóng góp vào quỹ tiêu dùng của đơn vị chủ sở hữu trạm bán hàng .
Smart Refill bán chất lỏng (đồ uống, hóa phẩm dân dụng) bằng các hình thức thanh toán ( tiền mặt, QRcode, thẻ RFID/NFC ) đồng thời cũng đóng góp vào quỹ tiêu dùng của đơn vị chủ sở hữu trạm bán hàng.
Sort & Recycling là trạm thu gom rác nhựa, rác giấy tự động cho phép người “bán rác” tích điểm chuyển thành tiền vào thẻ RFID/NFC để mua hàng tại điểm bán hàng tiện lợi xanh của 3SR.
Dự án Trạm xanh đang thực hiện bước đầu tiên là thí điểm mô hình Trạm thu gom rác tự động, phân loại rác và tính tiền, tính điểm thưởng theo khối lượng rác, đón đầu xu hướng và chế tài yêu cầu phân loại rác tại nguồn bắt đầu từ 1/1/2025.
Hiện nay 3SR đã có mặt tại các trường học, bệnh viện khu tập trung đông dân cư ở thành phố Hà Nội, và thực hiện sứ mạng là công cụ điều hướng, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.
3SR đã triển khai thương mại hóa và thực hiện chức năng là công cụ quản trị việc cung ứng hàng hóa theo thời gian thực cho từng điểm trạm, phân tích dự báo nhu cầu, diễn biến của thị trường.
Điều đặc biệt là, 3SR theo dõi, báo cáo chính xác theo thời gian thực tình hình tích lũy tín chỉ carbon, tín chỉ nhựa cho địa phương, khu vực, lãnh thổ, quốc gia.
Đây là nguồn cơ sở dữ liệu quý giá, là căn cứ quan trọng xây dựng kế hoạch hành động hướng đến NETZERO của Việt Nam vào năm 2050.
Mới đây, T.S Bùi Thị Thanh Hương cùng các cộng sự đã mang dự án 3SR đến với giải “Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa 2024”: Khơi nguồn sáng tạo vì môi trường bền vững với tên gọi 3SR Green Mini Mart.
Đây là một chương trình được thực hiện bởi Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Chương trình nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm.
Cuộc thi đã nhận được sự tham gia của hơn 1,000 cá nhân và tổ chức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác thải nhựa mà còn gia tăng nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết của vấn đề này.
Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá, các dự án và ý tưởng xuất sắc nhất được vinh danh với những giải thưởng giá trị, nhằm khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Phát biểu khai mạc vòng Chung kết cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm “trắng” do nhựa dùng một lần gây ra, là vấn đề môi trường, là thách thức lớn đối với xã hội hiện đại.
Theo Thứ trưởng, rác thải nhựa đã có mặt ở khắp mọi nơi, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi nơi từ khu đô thị đến vùng nông thôn và cả đại dương.
“Rác thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Điều này đòi hỏi chúng ta cần hành động kịp thời, quyết liệt hơn để giảm thiểu những tác động xấu này” – ông Lê Công Thành phân tích.
“Việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc EPR sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế trong nước phát triển, giảm dần phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu, tạo điều kiện để xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, trong đó các tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và không bị lãng phí” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dự án 3SR Green Mini Mart của T.S Bùi Thị Thanh Hương và các cộng sự đã vào TOP 20 Dự án xuất sắc của chương trình. Qua đó, khẳng định sự lan tỏa đối với cộng đồng và chuyên gia về kinh tế, môi trường khi đem tới giải pháp thông minh khi mọi người thấy rằng có nguồn lợi từ việc phân loại rác, qua đó góp phần giúp mục tiêu phân loại rác tại nguồn sớm được hoàn thành.
Những giải pháp được vinh danh như 3SR Green Mini Mart không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, không chỉ cân nhắc về lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo các yếu tố tác động xã hội và môi trường bền vững.
Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, dự án này còn mang lại lợi ích kinh tế. Chia sẻ thêm về 3SR với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, T.S Bùi Thị Thanh Hương cho biết, hiện nay dự án có tổng số vốn 26 tỷ, trong đó 21 tỷ là của tư nhân. Thay vì đầu tư cả 21 tỷ này, dự án kêu gọi vốn từ cộng đồng. Mỗi suất đầu tư 80 triệu, sau khoảng 18-24 sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lãi. Và lãi đó đến từ phần Smart Refill bán chất lỏng (đồ uống, hóa phẩm dân dụng). Hiện Fuji (Nhật Bản) đang hợp tác với dự án nhằm cung cấp máy để bán hàng và thu gom rác.
Theo ông Fergus McBean - Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đánh giá cao về vai trò của chương trình “Giải pháp Đổi mới Tuần hoàn Nhựa”: “Rác thải nhựa là một trong những thách thức mang tính cấp bách nhất đối với môi trường trong thời đại của chúng ta. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tình trạng của đại dương và hệ sinh thái, mà còn tới sự thịnh vượng của các cộng đồng trên toàn thế giới. Sự đổi mới cần thiết để giải quyết vấn đề này không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn từ sự phối hợp hành động giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân".
Do đó, những giải pháp, ý tưởng, dự án như 3SR là rất cần thiết để mang đến một môi trường sống xanh, bền vững trong tương lai.
Minh Thành