7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại vượt mốc 130.000
Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mốc mới là 133,7 nghìn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê công bố vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 cho thấy hoạt động khởi sự kinh doanh đã có sự khởi sắc mạnh mẽ.
Trong 7 tháng năm 2022, cả nước có 133,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,7%, bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Báo cáo cũng cho thấy, trong tháng 7/2022, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 123,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 106,2 nghìn lao động, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về vốn đăng ký và tăng 37,6% về số lao động so với tháng 6/2022.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 50,7% về số doanh nghiệp, tăng 1% về số vốn đăng ký và tăng 49% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, với đà tăng mạnh trong các tháng trước, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động 7 tháng đầu năm vẫn tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 9%.
Cụ thể, cả nước có 89,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621 nghìn lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, giảm 5,6% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 2.329,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 31,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 là 3.335,8 nghìn tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 lên 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ngoài ra, có 5.285 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 3% so với tháng trước và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.416 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,2% và tăng 12,3%; có 1.767 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,7% và tăng 22,5%.
Với phương châm hành động năm 2022 mà Chính phủ xác định là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”, động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước hết đến từ sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19 trên cả nước, tạo tiền đề cho sự nới lỏng và dỡ bỏ các giãn cách xã hội diện rộng kéo dài, giúp các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh mới.
Động lực tăng trưởng kinh tế 2022 còn tiếp tục gia tăng từ sự thúc đẩy các quá trình tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước đối với xã hội.
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...
Lan Anh