Á - Phi chiếm 67% thị phần xuất nhập khẩu của Việt Nam
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á - châu Phi năm 2021 đạt 444 tỷ USD, chiếm 67,3% thị phần trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 14,62% so với cùng kỳ, chiếm 50,2% xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Các nhóm hàng có kim ngạch lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 32,29 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,32 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD; Hàng dệt may đạt 10,6 tỷ USD…
Tại khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, Trung Quốc đứng vị trí đầu bảng, đạt 56 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14%; Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4%; Thái Lan đạt 6,1 tỷ USD, tăng 25%; Indonesia đạt 3,9 tỷ USD, tăng 38%…
Ở khu vực châu Phi, đây là thị trường tiềm năng khi có quy mô dân số đạt khoảng 1,3 tỷ người. Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là các mặt hàng như nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê…), thủy sản, điện tử, máy móc, hàng dệt may, giày dép…
Nam Phi là nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lớn nhất trong năm 2021, đạt 847 triệu USD, tăng 24%. Đứng thứ hai là Ai Cập đạt 567 triệu USD, tăng 26%; thứ ba là Ghana đạt 480 triệu USD, tăng 32%...
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực thị trường châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 278,3 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020, chiếm 84,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập khẩu từ khu vực này góp phần đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 64,7 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 40,7 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 20,7 tỷ USD…
Thương mại Việt Nam năm 2022 với các thị trường thuộc khu vực châu Á - châu Phi tiếp tục đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Covid-19 vẫn đang là trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khi các biến thể mới làm gia tăng tình trạng lây lan, nhu cầu hàng hóa bị ảnh hưởng.
Nhiều thị trường cũng tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát người và hàng hóa ngặt nghèo tại các cửa khẩu và cảng biển, khiến giao thương với Việt Nam trở nên tắc nghẽn.
Bộ Công Thương trước tình hình trên đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Đầu tiên, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại song phương Việt Nam với các đối tác. Mục đích để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, hướng tới phát triển thương mại bền vững.
Bộ Công Thương cũng tiến hành giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Các hiệp định thương mại FTA sẽ trở thành ưu thế cho thương mại Việt Nam với các nước thành viên. Do đó, cần thực thi hiệu quả các FTA như VKFTA, RCEP, CPTPP, ACFTA… Qua đó, tích cực khai thác cơ hội xuất khẩu sang các thị trường thành viên, đặc biệt là RCEP khi đây là hiệp định mới có hiệu lực vào ngày 01/01/2022.
Bộ cũng sẽ tiến hành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối giao thương, tham dự triển lãm… Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thương mại, xúc tiến thương mại.
Bùi Hằng (T/h)