Chủ nhật, 24/11/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ năm, 18/11/2021 11:00 (GMT+7)

ACV chìm trong nợ nần vì các 'ông lớn' hàng không

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), khoản nợ xấu của doanh nghiệp này đã tăng lên 700 tỉ đồng. Trong đó nợ xấu của Vietjet Air là 286 tỉ đồng, 250 tỉ đồng của Pacific Airlines và 115 tỉ đồng của Bamboo Airways.

Trải qua quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy doanh nghiệp này vừa trải qua một quý kinh doanh khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động, với khoản lỗ ròng hơn 800 tỉ đồng.

Cụ thể, trong 3 tháng gần nhất, doanh nghiệp quản lý và vận hành 21 sân bay trên cả nước chỉ ghi nhận 370 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2020. Mức giảm này tương đương với việc ACV thu về ít hơn gần 1.100 tỉ đồng từ các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tháng 7-9.

Trong bối cảnh doanh thu giảm gần 4 lần kể trên, giá vốn hàng bán của ACV lại chỉ giảm 2%, điều này dẫn tới công ty phải đối mặt khoản lỗ gộp 1.004 tỉ đồng trong quý (trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 41 tỉ).

Dù doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là tiền lãi thu được từ hơn 33.000 tỉ đồng gửi ngân hàng) vẫn mang về 464 tỉ đồng, tuy nhiên, khoản tiền lãi này đã không thể cứu vãn kết quả kinh doanh quý III của ACV như những quý trước đó.

Kết quả là, sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, doanh nghiệp đang vận hành cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã lỗ trước thuế 883 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 156 tỉ.

ACV chìm trong nợ nần vì các 'ông lớn' hàng không - Ảnh 1

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp ACV ghi nhận trong quý III là âm 856 tỉ, tương đương mức giảm 718% do cùng kỳ. Đây là quý thứ 2 liên tiếp ACV ghi nhận đà giảm của chỉ tiêu lãi ròng và là quý thua lỗ đầu tiên trong năm 2021.

Ngoài ra, đây là quý thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp hạ tầng hàng không này.

Theo lý giải của lãnh đạo công ty, doanh thu của ACV đã giảm mạnh trong quý vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19. Công ty mẹ - ACV và các đơn vị thành viên cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, trong khi vẫn phải có những chính sách hỗ trợ các hãng hàng không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020 do các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Tính chung 9 tháng, ACV ghi nhận 3.798 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Dù đối mặt khoản lỗ kỷ lục trong quý III, nhưng nhờ 2 quý liền trước có lợi nhuận dương, ACV vẫn thu về 497 tỉ đồng lãi ròng sau 9 tháng, giảm 64%.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của ACV là gần 55.400 tỉ, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, số giảm chủ yếu do công ty giảm lượng tiền vay tại các ngân hàng.

Hiện ACV vẫn duy trì lượng tiền gửi tại các ngân hàng với giá trị gần 33.000 tỉ. Trong nhiều năm trở lại đây, khoản tiền gửi lên tới gần 1,5 tỉ USD quy đổi theo tỉ giá này đã mang về cho công ty hàng nghìn tỉ tiền lãi mỗi năm.

Cũng theo báo cáo tài chính của ACV, khoản nợ xấu của doanh nghiệp này đã tăng mạnh từ 125 tỉ đồng (đầu năm) lên 700 tỉ đồng đến cuối tháng 9. Đây là các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng công ty đánh giá là khó có khả năng thu hồi.

Trong đó, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) có khoản nợ xấu lớn nhất là 286 tỉ đồng, mới phát sinh trong năm 2021. ACV đã trích lập dự phòng hơn 86 tỉ đồng cho khoản nợ xấu trên.

CTCP Pacific Airlines và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát sinh nợ xấu tại ACV lần lượt 250 tỉ đồng và 115 tỉ đồng.

CTCP Hàng không Mê Kông (Air Mekong) nợ quá hạn gần 26 tỉ đồng, Airasia Berhad nợ hơn 12 tỉ đồng và các hãng khác nợ hơn 10 tỉ đồng.

Đến cuối quý III, ACV đã phải trích lập dự phòng tổng cộng 255,3 tỉ đồng vì các khoản nợ xấu kể trên. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không trong 9 tháng đầu năm.

Mỗi ngày vẫn phải chi 100 tỉ trong thời gian máy bay ngừng bay

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với một số Bộ, ngành và các ngân hàng thương mại, các hãng hàng không, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm 60%-70% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu của ngành hàng không giảm 80%-90%. "Toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế đều đã bị dừng và phải hàng năm nữa mới có thể được khôi phục trở lại cũng như có thể phải mất nhiều năm mới đạt lại mức trước dịch", ông Nề cho hay.

Cũng theo ông Bùi Doãn Nề, mỗi ngày, các hãng hàng không vẫn phải chi trên 100 tỉ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80%-90%.

Dù vậy, đại diện các hãng hàng không cũng đánh giá cao Nhà nước và ngành ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành như giảm bớt nhiều loại phí, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không; khoanh, dãn nợ cho các doanh nghiệp hàng không.

Các ngân hàng thương mại cũng đã cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.

Ông Nề cho biết thêm, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Tổng công ty hàng không Việt Nam-VNA là 20.000 tỉ đồng). Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kiến nghị ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hàng không vay khoảng trên 30.000 tỉ đồng để trang trải các khoản nợ phải trả (trong đó VNA cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỉ đồng, Vietjet trên 10.000 tỉ đồng, Bamboo 5.000 tỉ đồng, Pacific Airlines 5.700 tỉ đồng, Vietravel 1.000 tỉ đồng).

“Chúng tôi mong muốn ngành ngân hàng áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với VNA cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỉ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Đặc biệt, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%) với thời hạn 3-4 năm,” ông Nề đưa ra kiến nghị.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết ACV chìm trong nợ nần vì các 'ông lớn' hàng không. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới