Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Thứ tư, 19/07/2023 16:38 (GMT+7)

ADB hạ mức tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 5,8%

Theo dõi KTMT trên

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo tại Việt Nam khiến mức tăng trưởng trong năm 2023 giảm sút.

Nhu cầu bên ngoài tiếp tục gây áp lực lên sản xuất

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 7/2023 (ADO) được công bố ngày 19/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%.

Cùng với đó, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024. Theo ngân hàng này, nhu cầu bên ngoài yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo tại Việt Nam, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện. Lạm phát được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.

Trong báo cáo vừa được công bố, ADB vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương ở mức 4,8% trong năm 2023, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của khu vực.

ADB hạ mức tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 5,8% - Ảnh 1
ADB hạ mức tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 5,8%.

Lạm phát được dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm, theo nhận định hôm nay.

Dự báo mức lạm phát ở châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.

Theo ADB, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển đang chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo.

Dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4.

Nhiều yếu tố tiêu cực gia tăng áp lực lên lạm phát

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mang tên “Kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023”, CTCK VNDirect cho biết, lạm phát trong nước tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 6/2023 với mức tăng 2,0% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Trong 6 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tăng 3,3% so với cùng kỳ. Giá xăng dầu trong nước giảm mạnh là yếu tố chính giúp giảm áp lực lạm phát trong 6 tháng đầu năm.

Dẫu vậy, VNDirect cho biết có một số yếu tố có thể gia tăng áp lực lên lạm phát kể từ cuối quý III/2023, bao gồm: (i) Chênh lệch giá xăng giữa 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng cuối năm 2022 sẽ thu hẹp đáng kể so với mức chênh lệch của nửa đầu năm 2023 và nửa đầu năm 2022; (ii) việc Chính phủ tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức nhà nước từ ngày 1/7/2023 có thể gây áp lực lên lạm phát.

Dẫu vậy, áp lực lạm phát sẽ được kiểm soát do tổng cầu trong nước còn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp. Trên cơ sở đó, VNDirect hạ dự phóng lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2023 xuống 3,3% (+/-0,2 điểm %) - hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% đề ra đầu năm.

Với tỷ giá, báo cáo cho biết, có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023. Thực tế cho thấy, áp lực lên tỷ giá VND gia tăng kể từ cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào tháng 6/023 khi FED công bố ý định nâng lãi suất điều hành thêm nữa trong nửa cuối năm 2023. Tính đến ngày 13/7/2023, tỷ giá USD/VND tăng lên 23,659 (- 0,1% so với đầu năm), tăng 0,7% kể từ cuộc họp của FED vào ngày 13-14/6.

Diễn biến thị trường cho thấy có một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm: (i) lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng; (ii) Lạm phát trong nước có thể tăng trở lại từ cuối quý III/2023.

Dù áp lực đang tăng lên nhưng theo VNDirect, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi: (i) Thặng dư thương mại duy trì mức cao; (ii) FDI và kiều hối ổn định; (iii) Các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ; (iv) Việt Nam vẫn đang duy trì lãi suất thực ở mức khá cao.

“Tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”, các chuyên gia của VNDirect dự báo.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết ADB hạ mức tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 5,8%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới