Ai đang gây ra cuộc 'đại tuyệt chủng' lần 6 trên Trái đất?
5 lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm hoạ tự nhiên, như núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất, riêng lần thứ 6 đang diễn ra thủ phạm lại là con người.
Con người là thủ phạm
Trong một cuộc khảo cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, sự đa dạng sinh học hiện thời của Trái đất, sản phẩm của 3,5 tỉ năm tiến hóa "thử và sai", là thành quả cao nhất trong lịch sử sự sống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện cảnh báo, sự đa dạng này đã đạt đến điểm tới hạn.
Trong lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, tiêu diệt khoảng 70-95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật từng tồn tại. Đợt tuyệt chủng gần nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm, là lúc khủng long biến mất.
5 lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm hoạ tự nhiên, như núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất, riêng lần thứ 6 đang diễn ra thủ phạm lại là con người.
Giáo sư sinh vật học Rodolfo Dirzo thuộc Đại học Stanford (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, đã đề cập tới một thời kỳ có tên gọi "Anthropocene defaunation", ám chỉ sự suy giảm số lượng các loài động vật ăn cỏ và săn mồi hàng đầu trên hành tinh do tác động của con người tới môi trường.
Kể từ năm 1500, hơn 320 loài động vật có xương sống trên cạn đã lâm vào tình trạng tuyệt chủng. Các loài còn lại giảm 25% dân số so với trước. Tình trạng thảm khốc tương tự cũng đang xảy ra với các sinh vật không có xương sống.
Ở động vật có xương sống, 16 - 33% các loài khắp toàn cầu ước tính đang bị đe dọa hoặc trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Các thành viên trong quần thể động vật lớn và khổng lồ, bao gồm cả voi, hà mã, gấu bắc cực và vô số loài khác khắp thế giới, đang đối mặt với tỉ lệ suy giảm nhanh nhất, một xu hướng từng xuất hiện trong các cuộc đại tuyệt chủng trước kia.
"Nơi nào có mật độ người cư trú dày đặc, nơi đó sẽ có tỉ lệ suy giảm các động vật ăn cỏ và động vật săn mồi cao, đồng thời lại có sự xuất hiện đông đảo của những động vật gặm nhấm và mầm bệnh chúng mang theo", giáo sư Dirzo cho biết.
Ông Dirzo nói, các giải pháp để đối phó với cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu này khá phức tạp. Việc con người giảm ngay lập tức tốc độ thay đổi môi trường sống cũng như việc khai thác, bóc lột quá mức các loài động vật sẽ hữu ích, nhưng những giải pháp này cần phải được điều chỉnh phù hợp với từng vùng và từng tình huống cụ thể.
Ông Dirzo bày tỏ hy vọng, việc nâng cao nhận thức về cuộc đại tuyệt chủng đang tiếp diễn cũng như các hậu quả gắn liền với nó sẽ giúp tạo ra sự thay đổi thiết yếu.
"Hiệu ứng domino tuyệt chủng"
Theo các nhà khoa học, quá trình tuyệt chủng còn diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn khi các đại dương đang không ngừng nóng dần lên, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang khiến sự đa dạng của thảm thực vật bị xâm hại nghiêm trọng, cũng như số lượng động vật đang giảm xuống với tốc độ nhanh chưa từng thấy qua từng năm.
Theo ước tính của các nhà khoa học, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động thực vật trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài giờ đây đang cao hơn ít nhất hàng chục lần so với mức trung bình của 10 triệu năm.
Kể từ khi hình thành nên các nền văn minh sơ khai cho tới nay, con người đã thay đổi đáng kể môi trường sống trên Trái đất. Khoảng 75% đất đai và 66% hệ sinh thái biển của Trái đất đã bị biến đổi dưới nhiều hình thức. Chính con người cũng là tác nhân phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, góp phần xóa sổ 600 loài thực vật trong 250 năm qua. Do tác động của con người, tốc độ tuyệt chủng của một loài thực vật nhanh hơn tới 500 lần.
Đáng lo ngại hơn, sự biến mất của một số động thực vật sẽ tạo ra "hiệu ứng domino tuyệt chủng". Trong tự nhiên, tất cả các loài động vật đều có mối liên hệ mật thiết với nhau theo nhiều cách. Nhóm nghiên cứu của PNAS ghi nhận nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng tập trung chủ yếu ở các khu vực đang bị bàn tay con người tác động mạnh. Khi một loài biến mất, hệ sinh thái sẽ đổ vỡ dẫn đến cái chết nhanh hơn của các loài khác.
Trong một báo cáo hồi tháng 9 vừa qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhấn mạnh quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm hơn 2/3 kể từ những năm 1970. Nếu không có các nỗ lực bảo tồn, tỉ lệ tuyệt chủng có thể cao gấp 3 - 4 lần.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Rike Bolam, chuyên gia về đa dạng sinh học tại Đại học Newcastle, khoảng 28 - 48 loài động vật đã được cứu khỏi nạn tuyệt chủng kể từ năm 1993, trong đó có 21 - 32 loài chim và 7 - 16 loài động vật có vú.
Mặc dù vậy, các nhà bảo tồn thừa nhận đã không hoàn thành mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra cách đây một thập kỷ. Bên cạnh những loài được cứu, vẫn còn hàng chục loài chim và động vật có vú khác đã biến mất hoàn toàn hoặc bị nghi ngờ tuyệt chủng.
Một số loài trong khi đó chỉ còn tồn tại trong điều kiện nuốt nhốt. Các nhà nghiên cứu vẫn hy vọng một ngày nào đó chúng có thể được đưa trở lại môi trường tự nhiên giống như trường hợp của ngựa hoang Mông Cổ.
Sự sống trên Trái đất có thể tự hồi phục sau mỗi giai đoạn đại tuyệt chủng, nhưng phải mất nhiều triệu năm. Con người may mắn tiến hoá trong một giai đoạn sinh học rất đa dạng, nhưng lại huỷ diệt chính thế giới sinh ra mình.
Nhật Hạ