Ấn Độ đang phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục
Nhiều vùng ở Ấn Độ đang phải trải qua đợt nắng nóng nhất trong 122 năm, với nhiệt độ lên tới 45 độ C, khiến hàng chục người tử vong.
Theo báo cáo của tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SE4ALL) công bố vào tuần trước, gần 323 triệu người trên toàn Ấn Độ đang có nguy cơ cao hứng chịu nắng nóng cực đoan và bị thiếu các thiết bị làm mát như quạt và tủ lạnh.
Vào giữa tháng này, nhiệt độ tại một số khu vực của thủ đô New Delhi đã tăng lên trên 49 độ C, sau khi Ấn Độ trải qua tháng 3 nóng nhất trong 122 năm và một tháng 4 nóng bất thường. Nhu cầu điện tại Ấn Độ đã lên mức kỷ lục khi tần suất sử dụng điều hòa tăng mạnh, dẫn đến cuộc khủng hoảng điện lực trầm trọng nhất trong 6 năm.
Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào tại Ấn Độ cũng được tiếp cận nguồn điện. Theo báo cáo của SE4ALL, ước tính chỉ một phần nhỏ trong 1,4 tỷ người tại Ấn Độ sở hữu thiết bị làm mát.
Khi nhu cầu này tăng lên trong những năm tới, điều này sẽ gây thêm áp lực cho các hệ thống điện vốn đã quá tải tại Ấn Độ, kéo theo nguy cơ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hệ quả là các đợt nắng nóng cực đoan sẽ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn.
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến mùa Hè đến sớm. Ước tính hơn 1 tỷ người tại Ấn Độ và quốc gia láng giềng Pakistan đang đối mặt với nguy cơ hứng chịu nắng nóng cực đoan.
Báo cáo SE4ALL cũng chỉ ra rằng Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, cùng nhiều khu vực khác như Mumbai (Ấn Độ) và Dhaka (Bangladesh) tại Nam Á, nằm trong số những nơi có nguy cơ cao nhất về thiếu hệ thống làm mát phù hợp.
Tại Ấn Độ, thống kê của chính phủ cho thấy ít nhất 25 người đã tử vong do sốc nhiệt kể từ cuối tháng 3, con số cao nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dileep Mavalankar, người đứng đầu Viện Y tế công Ấn Độ, con số chính thức này chỉ là bề nổi của "tảng băng", bởi nắng nóng có thể tác động gián tiếp đến những người cao tuổi, ốm yếu sinh sống trong các căn nhà nhỏ và lưu thông khí kém. Do đó, mức thống kê này có thể chỉ tương đương 10% so với thực tế.
Hà Lan