Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/09/2021 15:34 (GMT+7)

Áp giá sàn vé máy bay: Bất cập nhiều hơn khả thi

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia hàng không cho rằng việc áp giá sàn đồng nghĩa triệt tiêu vé máy bay giá rẻ và cản trở việc kích cầu du lịch hàng không sắp tới.

"Triệt tiêu" gói vé máy bay 0 đồng, giá rẻ 

Cục Hàng không Việt Nam vừa có đề xuất về áp giá sàn vé máy bay nội địa. Tại dự thảo trình Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết, việc áp giá sàn vé máy bay dự kiến được thực hiện từ 1/11 đến hết tháng 10 năm sau, mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn vé máy bay được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều.

Theo Cục Hàng không, chính sách khung giá tạm thời này nhằm mục đích giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng. Khung này cũng sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Áp giá sàn vé máy bay: Bất cập nhiều hơn khả thi - Ảnh 1
Cục Hàng không cho biết, việc áp giá sàn vé máy bay dự kiến được thực hiện từ 1/11 năm nay đến hết tháng 10 năm sau. Ảnh: Đ.B

Thực tế đề xuất này không phải là mới, mà xuất phát từ kiến nghị của đại diện Vietnam Airlines trước đó về việc tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay nội địa. Không chỉ kiến nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay, Vietnam Airlines (VNA) còn mong muốn có thêm nhiều hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cả ngành hàng không lẫn giới chuyên gia đều không đồng tình về đề xuất này.

Trả lời PV của Kinh tế Môi trường, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay đi ngược với quy luật phát triển của thị trường. Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, điều này cũng đang làm triệt tiêu các gói kích cầu hàng không giá rẻ vốn mang lại hiệu quả rất cao trong phát triển hàng không lâu nay.

Ví đề xuất này như một sự “can thiệp hành chính”, theo ông Nguyễn Thiện Tống, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tránh để xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Vẫn theo chuyên gia này, hàng không giá rẻ với các gói kích cầu như trước đây đã tạo ra những phát triển đáng kể của ngành hàng không nói chung. Trong đó, nhờ những gói kích cầu của hàng không giá rẻ mà số lượng khách du lịch nội địa tăng đột biến trong nhiều năm qua. Hàng không giá rẻ cũng gián tiếp góp phần làm tăng trưởng các ngành kinh tế, xã hội khác.

“Trong Luật Hàng không (ra sau Luật Giá), thị trường vận tải hàng không có quy định giá trần và giá sàn, nhưng giá sàn quy định bằng 0 đồng”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh và cho biết đề xuất áp giá sàn vé máy bay đang vi phạm Luật Cạnh tranh.

Thiệt hại lớn cho người tiêu dùng 

Trong khi đó, đại diện các đại lý hãng vé máy bay cho biết, nếu đề xuất này được thông qua, nhiều hãng hàng không sẽ không thể tung ra các chương trình khuyến mại vé máy bay giá rẻ 0 đồng hay 99.000 đồng như trước đó. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là hành khách thích sử dụng dịch vụ máy bay giá rẻ.

“Chương trình vé giá rẻ nhằm kích cầu dịch vụ hàng không, du lịch và các ngành kinh tế khác. Đây là chiến dịch thường niên của các hãng hàng không, vừa tạo ra cơ hội được sử dụng dịch vụ máy bay giá rẻ cho khách hàng, vừa mang lại lợi nhuận cho các hãng. Nếu “khai tử” gói dịch vụ này, cả người tiêu dùng và hãng hàng không đều chịu thiệt thòi”, một đại lý vé máy bay ở Hà Nội cho biết.

Trả lời Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Vũ Hoàng – Giám đốc Truyền thông thương hiệu Vietravel Airlines cũng nêu những bất cập trong việc áp giá sàn vé máy bay.

“Nếu tuân thủ sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải chấp nhận câu chuyện không thể áp dụng giá trần hay giá sàn giống như thời bao cấp được”, đại diện Vietravel Airline chia sẻ.

Viện dẫn ngành hàng không Mỹ từng áp dụng việc áp giá sàn vé máy bay, ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết thêm, kế hoạch đó của ngành hàng không Mỹ đã nhanh chóng “phá sản”. Trong thời gian áp giá sàn vé máy bay, hàng không Mỹ bị chững lại, không phát triển, thậm chí giảm đến 40%. Khảo sát cho thấy, có đến 70% hành khách trước đó đã không thể sử dụng dịch vụ máy bay nữa vì chi phí quá đắt.

“Nếu đưa ra mức giá sàn quá cao, thị trường không còn cạnh tranh thì cốt lõi vấn đề sẽ là ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Bất kỳ một hãng hàng không nào cũng mong muốn bán cho hành khách mức giá rẻ nhất thay vì áp một mức giá theo quy định và đưa đến cho họ những hạng mục dịch vụ đi kèm đắt đỏ nhưng lại không cần thiết”, ông Nguyễn Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Đề xuất của Cục Hàng không về việc áp mức giá sàn bay nội địa sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 11 năm nay đến hết tháng 10 năm sau.

Đây là đề xuất nằm trong dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải.

Nhận định đây là một vấn đề có tính tác động lớn, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết Áp giá sàn vé máy bay: Bất cập nhiều hơn khả thi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới