Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/11/2019 08:45 (GMT+7)

'Áp lực về bằng cấp, chứng chỉ đánh mất cơ hội tìm được người tài'

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, cán bộ được bổ nhiệm phải có đủ các loại bằng cấp. Tuy nhiên, áp lực về các văn bằng đánh mất cơ hội tìm được cán bộ thực sự có tài.

Trong yêu cầu chuẩn hoá cán bộ, công chức, viên chức, quy định phải có rất nhiều các loại bằng cấp, chứng chỉ, dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều người thời gian đi học còn nhiều hơn đi làm, có người gần về hưu vẫn phải tham gia các khoá học để bổ sung chứng chỉ, bằng cấp.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình), những văn bằng, chứng chỉ rất cần thiết để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, với từng ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng, độ tuổi... phải được quy định những loại văn bằng, chứng chỉ một cách hợp lý. Đại biểu Phương cũng cho rằng, thời điểm để quy định có đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ không đúng với lịch trình trong quá trình đào tạo của cán bộ, công chức.

'Áp lực về bằng cấp, chứng chỉ đánh mất cơ hội tìm được người tài' - Ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình).

“Cán bộ làm văn thư bắt buộc phải có chứng chỉ về tin học, hay cán bộ công tác trong ngành ngoại giao cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Còn những cán bộ, công chức, viên chức không làm việc liên quan đến ngoại ngữ, tin học thì chưa cần thiết phải có”- đại biểu Phương chia sẻ.

Cô giáo mầm non nhất thiết phải có bằng tin học, ngoại ngữ?

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, nên xem xét, nghiên cứu kỹ những văn bằng, chứng chỉ cho từng đối tượng. Đối với thi công chức, viên chức, chỉ cần có bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là đủ điều kiện, không cần thêm chứng chỉ nào khác. Với những người có chức vụ, như Trưởng phòng phải là chuyên viên; Giám đốc, phó Giám đốc Sở phải là chuyên viên chính. Quy định này cần thiết phải có để nâng cao trình độ, năng lực của người có chức vụ. Nhưng với công chức, viên chức không nhất thiết phải có quá nhiều chứng chỉ, văn bằng.

“Các cô giáo mầm non giữ trẻ thi tuyển vào viên chức cũng cần phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, điều này nhất thiết có nên hay không? Tôi nghĩ, những cô giáo mầm non cần quản lý trẻ thật tốt, dạy trẻ ngoan, được sự tín nhiệm của phụ huynh, nhà trường là tốt”- đại biểu Hòa dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, để việc bổ nhiệm cán bộ thực chất, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ thì việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là một phương án tối ưu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xem xét, có thể xóa bỏ những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết để tránh phiền hà và gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công việc của công chức, viên chức.

Năng lực của cán bộ được trải nghiệm qua thực tiễn về chuyên môn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến (Đà Nẵng), việc tìm được cán bộ có đủ năng lực chuyên môn cũng như uy tín để bổ nhiệm là cả một quá trình. Cán bộ được bổ nhiệm phải đầy đủ nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ đang là áp lực lớn, thậm chí đánh mất cơ hội tìm được những cán bộ thực sự giỏi và có tài.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến cho rằng, các loại bằng cấp chỉ là gián tiếp để thể hiện năng lực của cán bộ. Năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thực sự phải được trải nghiệm qua thực tiễn về chuyên môn, đạo đức.

'Áp lực về bằng cấp, chứng chỉ đánh mất cơ hội tìm được người tài' - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến (Đà Nẵng).

“Thực tế nhiều cán bộ rất giỏi chuyên môn, có đạo đức nhưng họ không có thời gian để đi học các chứng chỉ về quản lý Nhà nước hay chứng chỉ về trung cấp lý luận chính trị. Vì vậy, nếu thiếu 1 chứng chỉ, việc bổ nhiệm cán bộ đó cũng sẽ rất khó”- đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến cho biết.

Nữ đại biểu đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng, những yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ là cần thiết, để cán bộ có năng lực phù hợp được bổ nhiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo và cần quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo, tránh xảy ra tình trạng “học giả, bằng thật” với mục đích duy nhất “làm đẹp” hồ sơ.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức, cần phải giảm bớt tối đa các loại văn bằng chứng chỉ không cần thiết, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết 'Áp lực về bằng cấp, chứng chỉ đánh mất cơ hội tìm được người tài'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới