Chủ nhật, 24/11/2024 04:59 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/03/2023 14:30 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh của các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, tạo gần 24.600 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai thí điểm cài đặt ứng dụng Sổ tay theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt đối với 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, cung cấp thông tin 50 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel Chi nhánh Vũng Tàu hỗ trợ tạo tài khoản số và gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 2.018 hộ sản xuất nông nghiệp có nhu cầu đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử và Sở sẽ hỗ trợ các hộ này trong thời gian tới.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp - Ảnh 1
Hội viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đang ghi nhật ký sản xuất trên App máy tính bảng (Ảnh Internet)

Theo ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), đối với những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu bắt buộc với hàng nông sản nhập khẩu vào các nước này.

Đầu tháng 2/2023, Hợp tác xã Nhân Tâm đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Nhật Bản. Hợp tác xã cũng đang áp dụng việc số hóa ghi nhật ký sản xuất từ bón phân, tưới nước, ngày thu hoạch… trên App phần mềm của Nhật Bản cho mỗi lô hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của đối tác Nhật Bản, Hợp tác xã Nhân Tâm đã áp dụng phần mềm Sorimachi vào ghi nhật ký sản xuất cho 18 vườn trồng nhãn của Hợp tác xã. Chi cục Bảo vệ Thực vật đã hỗ trợ các lớp tập huấn cho các xã viên của Hợp tác xã nhập số liệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hằng ngày, số lượng trái thu hoạch vào App điện thoại.

Mỗi xã viên được cấp một mã số vùng trồng có định vị. Số liệu của 18 xã viên nhập hằng ngày sẽ chạy về máy chủ do ông Hoành quản lý. Từ đó, tổng hợp, kết nối với Chi cục Bảo vệ Thực Vật để kỹ thuật viên tư vấn về việc sử dụng những giống, thuốc, phân bón trong thời điểm nào hợp lý và điều chỉnh kịp thời các sai sót nhằm bảo đảm yêu cầu của phía nhà nhập khẩu.

“Trước đây, khi một lô hàng bị trả về vì bị nhiễm kháng sinh, bị khiếu kiện, chúng tôi chẳng biết nguyên nhân từ đâu để khắc phục. Giờ áp dụng chuyển đổi số, tôi chỉ cần vào App phần mềm truy xuất nguồn gốc là kiểm tra được ngay lô hàng đó xuất phát từ nhà vườn nào, đã sử dụng phân, thuốc gì hoặc đưa đi sấy ở đâu mà truy nguyên nhân nhiễm kháng sinh, từ đó khắc phục dễ dàng”, ông Hoành cho biết.

Việc chuyển đổi số không chỉ giúp các hợp tác xã, nhà vườn, doanh nghiệp quản lý được quy trình kỹ thuật, trồng trọt, dịch bệnh trong sản xuất, truy xuất được nguồn gốc mà còn hỗ trợ trong việc giao dịch, bán hàng, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử mời chào khách hàng, giúp tăng doanh thu.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết, sau khi áp dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, ghi nhật ký trồng trọt ở các nhà vườn, trong quy trình sản xuất, chế biến ở nhà máy, lưu kho, ông dễ dàng “show” cho đối tác trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước thấy được chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng giá trị của sản phẩm lên trong quá trình giao dịch, mời chào được giá tốt hơn.

“Đặc biệt, giai đoạn dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 vừa qua, không thể gặp mặt trực tiếp, tôi vẫn có thể cung cấp số liệu, hình ảnh cho đối tác để tái chứng nhận các chứng chỉ về ISO, môi trường, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản, USA, EU, Canada…và giao dịch xuất khẩu qua mạng. Nhờ đó bảo đảm doanh thu trong 2 năm nay, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận cho người lao động trong công ty và các nhà vườn, hợp tác xã liên kết không bị gián đoạn hay giảm sút”, ông Thành chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để góp phần thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, đặc sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 100% thông tin, hình ảnh của các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, tạo gần 24.600 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, nông dân triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường.

Thanh Lam

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới