Chủ nhật, 24/11/2024 05:44 (GMT+7)
Thứ năm, 16/12/2021 09:00 (GMT+7)

Bắc Cực: Nhiệt độ cao kỉ lục đe dọa sự sống động vật

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Tổ chức Khí tượng thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (WMO) chính thức công nhận mức nhiệt 38 độ C đo được ở vùng Siberia băng giá của Nga năm ngoái là mức cao kỉ lục đối với Bắc Cực. Mức nhiệt này gây nhiều đe dọa cho động vật.

Nền nhiệt kỉ lục tại Bắc Cực

Ngày 14/12, lần đầu tiên WMO bổ sung mức nhiệt cao kỉ lục ở Bắc Cực vào kho dữ liệu về thời tiết và khí hậu cực đoan - bao gồm nhiệt độ cao nhất và thấp nhất trên thế giới, lượng mưa, trận mưa đá lớn nhất, thời gian khô hạn dài nhất, gió giật mạnh nhất.

Thị trấn Verkhoyansk nằm cách vòng Bắc Cực 115 km về phía Bắc. Dữ liệu về nền nhiệt ở đây được thu thập từ năm 1885. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo mức nhiệt cao kỉ lục mới ở Bắc Cực gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu.

Bắc Cực: Nhiệt độ cao kỉ lục đe dọa sự sống động vật - Ảnh 1
Một đám cháy rừng ở Siberia. (Nguồn: AP)

Nhiệt độ trung bình ở Bắc Siberia vào mùa Hè năm ngoái cao hơn 10 độ C so với mức nhiệt thông thường, làm gia tăng các vụ cháy rừng và khiến băng tan nhanh hơn.

Cũng theo WMO, mức nhiệt thấp nhất từng ghi nhận ở Vòng Bắc Cực là -69,6 độ C đo được vào ngày 22/12/1991 ở Greenland.

Khủng hoảng đa dạng sinh học tại Bắc Cực do biến đổi khí hậu

Khu vực sinh sống của các loài động vật tại Bắc Cực có diện tích vào khoảng 7 triệu km2 với nền khí hậu cực lạnh, khô hạn, gió mạnh theo từng mùa. Các loài sống trong môi trường này đã thích nghi để tồn tại và phát triển trong môi trường điều kiện khắc nghiệt.

Nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sinh tồn của chúng, theo báo cáo về đa dạng sinh học trên cạn tại Bắc Cực, được công bố bởi nhóm công tác Bảo tồn Động thực vật Bắc Cực (Caff) thuộc AC.

“Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi trong các hệ sinh thái trên cạn ở Bắc Cực và khiến cho những tác động có ảnh hưởng lớn, nhiều chiều, khó đoán định ​​sẽ ngày càng gia tăng”, báo cáo trên cho biết.

Bắc Cực: Nhiệt độ cao kỉ lục đe dọa sự sống động vật - Ảnh 2
Tăng nguy cơ tuyệt chủng của các loài. (Ảnh: Báo quốc tế)

Nền nhiệt tại Bắc Cực đang gia tăng với tốc độ cao gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Tình trạng này dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến cho các loài ở phía Nam di chuyển về phía Bắc và làm lây lan các mầm bệnh giữa những loài sinh sống trong khu vực.

Trong cuộc họp cấp Bộ trưởng của AC tại Reykjavik, Iceland vào hôm Thứ Năm, một báo cáo đánh giá tình trạng và xu hướng phát triển của các loài sinh sống ở Bắc Cực lần đầu tiên được công bố, sau một bản đánh giá năm 2017 của Caff về đa dạng sinh học biển.

Báo cáo này dựa trên nhiều thập kỉ theo dõi sự đa dạng sinh học tại khu vực để cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi đã xảy ra tại đây.

Tại trạm nghiên cứu Zackenberg ở phía Đông Bắc đảo Greenland, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những loài quan trọng như ruồi thụ phấn đã giảm 80% số lượng cá thể trong khoảng thời gian từ năm 1996-2014. Số liệu này phản ảnh sự không đồng đều giữa thời điểm ra hoa của thực vật và hoạt động của loài thụ phấn do khí hậu gây ra.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hơn 50% trong số đó 88 loài chim biển được khảo sát đã suy giảm số lượng và có đến 20% loài bị suy giảm nghiêm trọng.

“Trên lãnh nguyên Bắc Cực, chim biển là nhóm chim đa dạng nhất”, ông Paul Allen Smith, nhà sinh vật học và là một chuyên gia về chim đóng góp cho báo cáo cho biết.

Đối với các đàn tuần lộc di cư từ Nga đến Alaska, bà Christine Cuyler, một chuyên gia, nhà tư vấn của Viện Tài nguyên Thiên nhiên Greenland cho biết: “Số lượng cá thể tuần lộc luôn biến động, thay đổi bất thường và có chu kỳ phong phú”.

“Nhưng trong một số trường hợp, biên độ dao động đang có chiều hướng gia tăng. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến ​​những biến động về số lượng loài này sụt giảm vượt mốc lịch sự từng ghi nhận trong quá khứ”, bà Cuyler chỉ ra.

Phần lớn các cá thể tuần lộc rừng và các loài di cư đến lãnh nguyên Bắc Cực đã giảm trong những năm gần đây. Tính riêng đàn tuần lộc Bathurst, trải dài từ Lãnh thổ Tây Bắc của Canada đến Nunavut, đã giảm 98% kể từ năm 1986-2018.

Bà Cuyler cho biết, một số yếu tố khiến cho loài động vật này không thể sống sót qua mùa đông có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, bao gồm nguồn thức ăn chính cạn kiệt, các hiện tượng mưa tuyết, côn trùng quấy phá,...

Nền nhiệt độ gia tăng tại Bắc Cực cũng khiến cho các mầm bệnh mới xuất hiện gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của một số loài. Vào năm 2012, một đợt bùng phát bệnh viêm quầng – bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn làm ảnh hưởng đến da, đã giết chết khoảng 150 con thuộc loài bò xạ hương trên đảo Banks.

“Vi khuẩn xuất hiện mọi nơi trên khắp thế giới, nhưng khi nó xuất hiện ở Bắc Cực, thì đây là một điều hoàn toàn bất thường. Nó thường sẽ không hoạt động tại khu vực có nhiệt độ thấp, khí hậu lạnh. Những mọi thứ đang thay đổi khi Bắc Cực đang ấm dần lên”, bà Cuyler chia sẻ.

Hơn nữa, do tình trạng biến đổi khí hậu ấm lên toàn cầu, các loài động vật có vú đang di chuyển về phía Bắc. Nhiều khả năng tình trạng có thể sẽ trở thành nguồn lây ký sinh trùng và các bệnh mới, ảnh hưởng trực tiếp đến các loài đang sinh sống tại khu vực.

Báo cáo trên cũng cho biết một số thực trạng về những loài di cư đến vùng Bắc Cực như: Cáo đỏ cạnh tranh và thậm chí giết cáo Bắc Cực để giành hang ổ. Tại Alaska, gấu nâu cũng đang tranh giành môi trường sống của bò xạ hương.

“Những gì đang diễn ra là hoàn toàn khác với trước đây và nó thật tàn khốc”, bà Cuyler chia sẻ.

Khi các loài dịch chuyển dịch về phía Bắc, hệ sinh thái trên cạn tại vùng Bắc Cực sẽ ngày càng bị thu hẹp lại.

“Các hiện tượng thời tiết cực đoan – cháy rừng hay côn trùng tàn phá – sẽ để lại những hậu quả mang tính hệ thống trong nhiều năm ở Bắc Cực”, ông Niels Martin Schmidt, nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus và cũng là người tham gia báo cáo, nhấn mạnh.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bắc Cực: Nhiệt độ cao kỉ lục đe dọa sự sống động vật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới