Bạc Liêu: Vì sao lò đốt rác tại huyện Phước Long xây xong rồi bỏ hoang?
Dù không được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, UBND huyện Phước Long vẫn xây dự án lò đốt rác tập trung hàng tỷ đồng rồi bỏ hoang suốt nhiều năm gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Có việc ngó lơ chỉ đạo từ tỉnh?
Năm 2020, UBND huyện Phước Long có tờ trình 17/TTr - UBND ngày 12/02/2020 lên UBND tỉnh Bạc Liêu về việc xin bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2020 để xây dựng dự án lò đốt rác tập trung xã Phong Thạnh Tây A.
Theo nội dung tờ trình, trên địa bàn huyện Phước Long chỉ có một lò đốt rác thải tập trung tại ấp Long Thành, TT. Phước Long, do lượng rác thải trong huyện quá lớn nên lò đốt rác này bị quá tải, hơn nữa một số xã vận chuyển rác thải về lò quá xa.
Do đó, nhằm đảm bảo xử lý hết lượng rác thải của huyện không ứ đọng ảnh hưởng đến môi trường chung của huyện nên UBND huyện Phước Long có quy hoạch xây dựng thêm lò xử lý đốt rác thải tập trung tại ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A.
Theo tờ trình, UBND huyện Phước Long kiến nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Bạc Liêu cho phép huyện bổ sung kế hoạch sử dụng đất xử lý chất thải tại vị trí đất nêu trên, chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất xử lý chất thải với diện tích 6.800 m2. Và dự án được xây dựng với số tiền hơn 5,2 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách cân đối địa phương.
Sau khi nhận được tờ trình của UBND huyện Phước Long, thời điểm đó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao cho Sở TN&MT tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Xây Dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ban, ngành tỉnh có liên quan thành lập đoàn khảo sát xuống địa điểm khu đất tại ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A để kiểm tra.
Trên cơ sở báo cáo của Sở TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra công văn số 2833/UBND-KT gửi UBND huyện Phước Long. Nội dung công văn nêu, về nguyên tắc, chưa chấp thuận vị trí khu đất xây dựng lò đốt rác thải theo đề nghị của UBND huyện Phước Long vì chưa phù hợp với quy định của Bộ Xây Dựng. Cụ thể, vị trí khu đất chưa phù hợp theo quy định tại điểm 5, khoản 6 của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, do Bộ Xây dựng ban hành quy định về khoảng cách an toàn về môi trường của nhà máy xử lý chất thải rắn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao UBND huyện Phước Long chịu trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và đề xuất vị trí khác cho phù hợp theo quy định hiện hành, sau đó trình UBND tỉnh xem xét cho ý kiến.
Chỉ đạo từ UBND tỉnh Bạc Liêu là vậy, nhưng UBND huyện Phước Long vẫn tiếp tục cho xây dựng dự án lò đốt rác tập trung tại vị trí đã trình UBND tỉnh trước đó.
Có lãng phí?
Sau khi UBND huyện Phước Long xây dựng xong lò đốt tập trung nêu trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Bởi theo người dân tại khu vực lò đốt rác tập trung ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A được xây dựng trên phần đất có mục đích là nuôi trồng thủy sản. Nếu đi vào hoạt động, nhiều hộ nuôi tôm trong khu vực này lo ngại ô nhiễm, gây thiệt hại cho đời sống sản xuất. Ngoài ra, lò đốt rác còn nằm phía sau khu dân cư của nhiều hộ dân đang sinh sống, từ đó dấy lên những lo ngại về sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bà con.
Chính vì vậy, từ ngày xây dựng hoàn thiện đến nay, dự án này vẫn không đi vào hoạt động và bỏ hoang nhiều năm nay. Việc xây dựng dự án với hàng tỷ đồng tiền ngân sách nhưng không phát huy được hiệu quả đã gây lãng phí nghiêm trọng về kinh tế, tài nguyên đất đai, gây búc xúc trong dư luận…
Dù chưa hoạt động này nào, thế nhưng với việc hơn 2 năm bị bỏ hoang, hiện nay nhiều hạng mục dự án lò đốt rác tập trung đã bị xuống cấp trầm trọng, cổng sắt đã bị hoen rỉ, hàng rào đổ sập, cỏ dại mọc um tùm. Đáng nói, việc dự án lò đốt bị bỏ hoang còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu gom, xử lý rác thải đang có dấu hiệu quá tải trên địa huyện Phước Long.
Để có thêm thông tin về “số phận” của dự án lò đốt rác tập trung tại ấp 3 xã Phong Thạnh Tây A, phương án xử lý và trách nhiệm của ngành chức năng trong việc công tác quản lý nhà nước, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Từ Minh Phúc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ vị Chánh Văn phòng.
Phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long thì ông Liêm cho biết, hiện nay huyện Phước Long đang tiếp tục xin chủ trương để mở rộng dự án lò đốt rác tập trung tại thị trấn Phước Long và sẽ di chuyển những thiết bị đang có tại lò đốt rác bỏ hoang tại ấp 3 sẽ được mang về lắp đặt vào phần mở rộng.
“Khi anh về tới giờ, cái lò đốt tập trung tại ấp 3 xã Phong Thạnh Tây dừng luôn và không xây mới cho tới bây giờ. Vị trí xây dựng dự án lò đốt này đã được các ngành chuyên môn xác định là không phù hợp rồi. Hiện mình xin chủ trương, thủ tục để xử lý di dời thiết bị dự án lò đốt này để chuyển sang dự án lò đốt rác hiện hành ở TT. Phước Long.
Lúc đó thấy lượng rác phát sinh lớn, nên mới dự kiến xây dựng dưới đó (Lò đốt tại khu vực ấp 3 xã Phong Thạnh Tây A – PV) để xử lý cho mấy xã dưới đó, chia ra bớt. Tuy nhiên, từ đó tới nay chưa có thực hiện được, còn lò ở trên TT. Phước Long (lò đốt rác do Sở TN&MT làm chủ đầu tư) đốt liên tục nên cũng đang bị quá tải công suất. Thành ra, huyện cũng xin phép cho mở rộng, gắn thêm một lò đốt để xử lý cho kịp, khi được chấp thuận thì sẽ di dời các thiết bị từ dự án lò đốt rác tập trung ấp 3 về để lắp đặt. Vị trí dự kiến lắp đặt lò đốt mới cũng nằm sát bên lò đốt rác cũ tại thị trấn khi đi vào hoạt động thì hai lò sẽ đốt song song. Huyện đã xin phép Sở TN&MT và Sở đang làm hồ sơ để trình Bộ TN&MT và chờ Bộ có công văn phản hồi, sau đó Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn huyện các bước tiếp theo”, ông Liêm chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên, ông Châu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Thanh Tây A thông tin: “Qua họp dân có nhiều hộ đồng tình để dự án đi vào hoạt động, nhưng cũng có một số hộ không đồng tình. Về phía xã thì cũng muốn có một nơi để thu gom và xử lý rác, do vận chuyển rác từ dưới xã lên nhà máy xử lý rác trên trung tâm huyện Phước Long thì quá xã, chi phí hàng tháng để đổ rác, mướn công nhân, rồi kể cả xăng dầu vận chuyển đều lỗ không à.
Nói chung cái lò này chưa vào hoạt động cũng đâu có ai đâu. Chỉ xây dựng rồi để đó chứ cũng chưa có ai tới lui để vận hành hay trông coi. Xã chỉ muốn có cái lò đốt rác ở gần để xử lý lượng rác thu gom trên địa bàn và bớt chi phí vận chuyển lại, còn việc xác định vị trí nào hay xây dựng lò mới thì do huyện với tỉnh quyết định cho ở đâu làm ở đó”.
Thanh Tùng