Bảo tồn vùng nước ngập mặn tại Việt Nam
Hội thảo “tăng cường vai trò của các bên trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam” vừa diễn ra tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Hội thảo “tăng cường vai trò của các bên trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam” vừa diễn ra tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hội thảo do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ; Cán bộ Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long; Đại diện Vườn Quốc gia Tràm Chim - 1 trong 9 khu Ramsar ở Việt Nam được thế giới công nhận; Đại diện Viện Sinh thái học miền Nam (SIE), cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan.
Mục tiêu nhằm tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước tại Việt Nam, đồng thời tăng cường vai trò của các bên trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đất ngập nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với diện tích khoảng 12 triệu ha, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật và là nguồn sống của hàng triệu người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với quốc gia và thế giới. Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.
Để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập đang gặp phải, ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030; Ngày 13/4/2022, ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.
Hội thảo tập trung vào các nội dung: Công tác bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ở Việt Nam; Vai trò của các bên trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm của các bên trong việc bảo vệ các hệ sinh thái vùng ngập nước ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu từ các khu đất ngập nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nêu lên hiện trạng, cũng như có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục tiêu bảo tồn và sử dụng khôn khéo nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.
Đại diện Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) phát biểu dưới góc nhìn của những người làm công tác nghiên cứu, cũng như thông tin sơ lược về dự án mà SIE đã và đang triển khai tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là hợp phần: “Tiến hành kiểm kê đa dạng sinh học trong tất cả các hệ sinh thái đất ngập nước để quản lý và bảo tồn tốt hơn”. Thông qua hợp phần này, SIE sẽ xây dựng một nền tảng số cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của 3 khu Ramsar tại Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Dự án này là một hợp phần của dự án: “Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Dương Văn Ni - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ về những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước ở Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp cho một số vùng cụ thể; Đại diện Vườn Quốc gia Tràm Chim chia sẻ về công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường và ông Huỳnh Văn Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp bày tỏ cảm ơn tới các đại biểu, đồng thời hy vọng sau Hội thảo, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia về môi trường vào các giải pháp, kinh nghiệm bảo tồn, qua đó góp phần tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ các hệ sinh thái vùng ngập nước ở Việt Nam.