Chủ nhật, 24/11/2024 06:55 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 06:55 (GMT+7)

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu

Theo dõi KTMT trên

Với Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước.

Thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang ở mức báo động

Trái đất luôn hiện ra đầy màu sắc tươi đẹp của thiên nhiên và động thực vật, nhưng Trái đất chúng ta đang sống còn là một thực thể bị tổn thương bởi những vấn nạn môi trường. Từ hiệu ứng nhà kính, khí hậu cực đoan, tới nạn ô nhiễm, rác thải, nguồn nước sạch…

Theo tính toán, vào năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, chúng ta sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của chính bản thân chúng ta.

Việt Nam có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, là nước giàu khoáng sản đứng thứ 7 thế giới với gần 12.000 loài thực vật bậc cao, có đường bờ biển dài 3.260 km.

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 1
Cây Bồ Đề được Hòa thượng Thích Huyền Diệu trồng tại khuôn viên Đền Hạ tại Đền Hùng, Phú Thọ cách đây hơn 20 năm.

Tuy là một nước nông nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, với mục tiêu đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng XHCN, nhưng Việt Nam cũng phải đang đối diện với nhiều vấn đề môi trường gay gắt. Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, đặt ra những vấn đề gay gắt về dân sinh, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện nay, hiểm họa môi trường sinh thái ở nước ta dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, biến đổi khí hậu, nhất là mâu thuẫn giữa phát triển và lạc hậu, do ảnh hưởng nặng nề của nếp suy nghĩ, nếp làm thói quen của người sản xuất nhỏ tiểu nông chưa hoàn thiện. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng đang là vấn đề nan giải hiện nay. Nhiều nhà máy xả ra chất thải công nghiệp, sinh hoạt, chất độc hại của quá trình sản xuất không được xử lý nghiêm túc mà đưa trực tiếp vào môi trường, gây tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái, gây bệnh tật cho người dân. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay cả nước có hơn 5.400 làng nghề, riêng Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, tuy nhiên 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng, xói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển đe dọa tới các hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt nguồn gien. Thực trạng môi trường này đi cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng thách thức đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới (Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước chịu tác động mạnh nhất của vấn đề biến đổi khí hậu).

Vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Nước ta cũng vậy và nó đang ở mức báo động cao. Các cơ quan, tổ chức đã cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng này không có dấu hiệu dừng lại và tiếp tục tăng cao. Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng khá nhanh cùng với đó là sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với môi trường của Việt Nam.

Hòa thượng Thích Huyền Diệu nhấn mạnh việc ô nhiễm môi trường trên Trái đất và khuyến khích mỗi người nên ý thức để bảo vệ môi trường: “Ước mơ của Thầy để giảm bớt ô nhiễm môi trường là khuyến khích mỗi người nên ý thức bảo vệ môi trường, trồng cây, tiết kiệm nước, không dùng chất hóa học và đồ nhựa, túi nilon. Thầy mong mỗi người Việt Nam hãy trồng 1.800 cây xanh tại quê hương mình để bảo vệ môi trường cho hôm nay và mai sau”.

Việt Nam tổng số có hơn 183 khu công nghiệp trong cả nước. Thì có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ở các đô thị, chỉ có khoảng 60-70% chất thải rắn được thu gom. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết nước thải đều bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm... chưa được xử lý và đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Các loại khí chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường.

Góc nhìn nhân văn của Thầy Thích Huyền Diệu

Với Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước.

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 2
Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch Danh dự của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Với tâm nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng của những người hành hương về đất Phật, Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch Danh dự của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Quốc tế đầu tiên tại vườn Lumbini, nơi Đức Phật Thích ca giáng trần. 

An Việt Nam Phật Quốc Tự tọa lạc trên một diện tích rộng, giữa cánh đồng bao la, cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 2 km. Khuôn viên rộng rãi và thoáng mát tạo nên một khung cảnh yên tĩnh.

Ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự mang đậm bản sắc của quê hương Việt Nam với nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót líu lo rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định. Bên trong chùa, dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn là các loại cây ăn trái của vùng nhiệt đới rất quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài, ổi xá lị… Phía trước chánh điện và hai dãy phòng Pháp xá của chùa có trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thuỷ, lan, sứ, thiên lý.

Với Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước. Trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được. 

“Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Thầy mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình”.

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 3
An Việt Nam Phật Quốc Tự - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật - Ấn Độ và Nepal giản dị, ẩn mình giữa màu xanh của thiên nhiên. (Ảnh: Anvietnamphatquoctu.com)

Tâm nguyện ấy đã trở thành “kim chỉ nam” trong cuộc đời và hành trình tu tập của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, người luôn coi việc trồng cây là sứ mệnh của mình khi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào.

13 cây Bồ Đề có nguồn gốc từ nơi đất Phật thành đạo (Buddha, Gaya Bihar, Ấn Độ) đã được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ươm mầm gieo trồng tại nhiều ngôi chùa ở nước ta, chốn tĩnh lặng, linh thiêng trong tâm thức người Việt. Lễ trồng cây cũng chính là hoạt động thiết thực, truyền tải thông điệp mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng trong khi môi trường sống ngày càng bị đe dọa.

Tâm nguyện suốt đời tri ân Mẹ Thiên nhiên    

Như một cơ duyên, đầu những năm 1990, trong một lần đi thăm Bồ Đề đạo tràng tại Boudha Gaya, Bihar, Cộng hòa Ấn Độ, một số cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam (trong đó có nhà văn Hồ Anh Thái) đã đến chiêm bái cội Bồ Đề linh thiêng và thật bất ngờ khi phát hiện ra một mảnh đất nhỏ đang trồng rất nhiều cây có một ngôi nhà 4 tầng với những tấm bản đồ Việt Nam khắc nổi trên cửa chính và tất cả các cửa sổ! Bên cạnh đó là ngổn ngang gạch ngói đang xây cất một công trình gì đó. Thì ra đó là nơi khởi đầu của An Việt Nam Phật Quốc Tự ngày nay.

Ở đó duy nhất có một người Việt Nam xưng danh là người làm vườn kiêm quét chùa. Một người đàn ông trạc tứ tuần trong bộ quần áo nâu nhà chùa đeo cặp kính cận, thân hình mảnh mai nhưng trông toát lên vẻ kiên nghị mà hiền từ, nhanh nhẹn mà cẩn trọng, giọng nói Nam bộ nhỏ nhẹ chầm chậm thể hiện là người đã lâu rất ít được trao đổi, tiếp xúc với người Việt Nam khi chào bằng tiếng Anh. Ông tỏ sự ngạc nhiên tột độ khi biết các vị khách đến từ Việt Nam. Đó chính là Hòa thượng Thích Huyền Diệu.

Từ cuộc hạnh ngộ ấy, ngài Vũ Xuân Áng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có sự liên hệ và quảng bá rộng rãi về sự hiện diện của ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự nơi Bồ Đề Đạo Tràng mà mọi Phật tử trong nước và quốc tế đều biết.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, lúc đó là Tùy viên Khoa học nhiệm kỳ 1989 - 1992 cho biết, hàng năm vào dịp hè ông vẫn thường tổ chức cho các lưu học sinh Việt Nam giao lưu, tọa đàm cùng thầy Huyền Diệu. Cũng trong thời gian ấy, thầy Huyền Diệu bày tỏ ý nguyện muốn được trở về thăm quê hương Việt Nam. Sau một số lần về thăm Việt Nam để giảng pháp ở nhiều chùa khác nhau cũng như nói chuyện ở một số nơi trên khắp đất nước, thầy Huyền Diệu mong muốn được viếng thăm Đất Tổ với ý nguyện trồng một cây Bồ Đề tại đây. Ý tưởng hình thành: Cây của Phật trồng nơi Đất Tổ!

Đầu năm 2021, lãnh đạo Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có dịp về thăm lại cây Bồ Đề mà Hòa thượng Thích Huyền Diệu chủ trương trồng nơi Đất Tổ. Hơn hai mươi năm qua, cây Bồ Đề vượt qua bão gió giờ đã vươn cao, tỏa bóng cùng muôn ngàn cây lá ngút ngàn nơi núi Hy Cương hùng vĩ, linh thiêng thờ các Vua Hùng. Mỗi năm, Đền Hùng đón đồng bào con dân đất Việt từ mọi phương trời về đây tụ hội, thăm viếng đảnh lễ với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn.

Cây Bồ Đề được bao quanh bởi một hàng rào bảo vệ bằng sắt luôn có những làn khói hương tỏa ngát bởi khách viễn du cung kính cắm nơi gốc cây. Bên cạnh đó là một tấm bia đá với dòng chữ khắc ghi “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN", như để nhắc nhở một thông điệp, một lời dặn dò cho con cháu muôn đời sau!

Theo Hòa thượng Thích Huyền Diệu, trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được. Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Thầy mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình.

“Nước ta là một nước nông nghiệp, phải tận dụng thế mạnh của mình, không phải cái gì cũng học theo các nước khác được, bây giờ mình phải sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng là trồng cây. Chúng ta phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh về địa hình, đất đai và những tài nguyên sẵn có. Sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh mà Chính phủ Việt Nam đề xuất cần phải làm ngay lập tức vì cuộc sống này là vô thường, nên khi đã nói là phải thực hiện luôn”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu nhấn mạnh.

Năm 2020, thầy Huyền Diệu đã kêu gọi mỗi người nên hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon để bảo vệ môi trường. Theo thầy Huyền Diệu, những ngày qua, dịch bệnh đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những tai họa do sự lạm dụng phá hủy môi sinh, không tôn trọng “Mẹ vũ trụ, thiên nhiên”... Chúng ta cần tĩnh tâm suy niệm thật kỹ, cùng thành tâm thành thật tu niệm, cùng tôn trọng bảo vệ môi sinh thì tai ương sẽ biến mất.

Không những thế, Thầy Huyền Diệu đã lên tiếng cấp thiết kêu gọi mỗi người có thể giúp môi sinh tốt hơn bằng cách: Trồng thật nhiều cây; Tiết kiệm nước; Hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon... Trong lá thư được viết ngày 26/7/2014 về 10 điều ước của thầy khi đi tu tập ở vùng Himalaya, thầy đã nhấn mạnh về tình trạng ô nhiễm môi trường trên Trái đất và khuyến khích mỗi người nên ý thức để bảo vệ môi trường.

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 4
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường phát biểu lại lễ cung nghinh Hòa thượng Thích Huyền Diệu.

Thầy Huyền Diệu cũng là người đi đầu trong việc bảo vệ hồng hạc Himalaya (sarus crane), loài hạc lớn nhất thế giới với chiều cao tới 1,7 m và đang có nguy cơ tuyệt chủng, tại Lumbini. Ngay từ khi An Việt Nam Phật Quốc Tự đang xây dựng, một đôi hồng hạc đã bay về sinh sống tại khuôn viên chùa. Thầy Huyền Diệu đã kiên trì nghiên cứu tập tính hồng hạc và kêu gọi bảo vệ loài chim này. Nhờ có những hoạt động tích cực của thầy, đến nay đã có khoảng 40 con hồng hạc về vùng Lumbini sinh sống.

Hạn chế dùng đồ nhựa, túi nilon để bảo vệ môi trường

Năm 2020, Thầy Huyền Diệu đã kêu gọi mỗi người nên hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon để bảo vệ môi trường. Theo Thầy Huyền Diệu, những ngày qua, dịch bệnh đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những tai họa do sự lạm dụng phá hủy môi sinh, không tôn trọng “Mẹ vũ trụ, thiên nhiên”... Chúng ta cần tĩnh tâm suy niệm thật kỹ, cùng thành tâm thành thật tu niệm, cùng tôn trọng bảo vệ môi sinh thì tai ương sẽ biến mất.

Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Ảnh 5
Thầy Thích Huyền Diệu chia sẻ, chỉ một chai nhựa nhỏ nhưng phải mất đến vài trăm năm mới phân hủy được.

Thầy Huyền Diệu đã lên tiếng cấp thiết kêu gọi mỗi người chúng ta có thể giúp môi sinh tốt hơn bằng cách: Trồng thật nhiều cây; Tiết kiệm nước; Hạn chế tối đa dùng đồ nhựa và túi nilon...

Chiều 24/10/2022 (tức ngày 29 tháng 9 năm Nhâm Dần), tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nám long trọng cung nghinh Hòa thượng Thích Huyền Diệu quang lâm. Hòa thượng Thích Huyền Diệu là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal, Chủ tịch Danh dự Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Tại buổi giảng pháp, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã bày tỏ sự trăn trở của mình về tình trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới. Ông kêu gọi tất cả mọi người chung tay cùng hành động vì một Hành tinh xanh, nói không với rác thải nhựa, trồng thật nhiều cây xanh. Đối với giới doanh nhân, đặc biệt là những startup, hãy kinh doanh bằng cái tâm, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, và hãy chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn.

 “Trong cuộc đời mỗi một con người, hãy cố gắng trồng ít nhất 1.800 cây xanh. Khi mà tất cả mọi người cùng chung tay, hành tinh của chúng ta sẽ xanh hơn…”, Hòa thượng Thích Huyền Diệu kêu gọi.

Biến đổi khí hậu toàn cầu, những hiểm họa về môi trường, vấn nạn nghèo đói… mà nhân loại đang phải đối mặt chính là hậu quả của tư duy và hành động của con người đối với thế giới tự nhiên. Để bảo vệ môi trường trong điều kiện sống hiện nay, cần phải nghiêm túc đưa giáo dục về môi trường vào cuộc sống, định hướng “sống thiện” với tự nhiên. Đó là tâm niệm của Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) – Nepal, người đã từng viết bức thư kêu gọi bảo vệ môi sinh từ đất Phật Đạo Tràng Ấn Độ, để cứu Mẹ Trái đất, gìn giữ môi sinh cho muôn đời sau.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ Mẹ Thiên nhiên - Góc nhìn nhân văn của Hòa thượng Thích Huyền Diệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới