Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/10/2023 09:27 (GMT+7)

Bị đầu mối chèn ép, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu cứu” Thủ tướng

Theo dõi KTMT trên

Hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, hiện trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng.

Đây chính là nội dung có trong đơn của ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) - đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ ngành liên quan vào ngày 27/10.

Theo ông Tây, Nghị định 95 và Thông tư 104 của Bộ Tài chính đã quy định chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ. Thế nhưng, các doanh nghiệp cho biết thực tế là các đầu mối phân chia không đúng quy định, doanh nghiệp bán lẻ vẫn thường xuyên bị nhận chiết khấu 0 đồng.

Bị đầu mối chèn ép, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu cứu” Thủ tướng - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải tự bỏ ra các chi phí điện, nước, lương, lãi vay, thậm chí có nơi bán ruộng vườn, phải bán bớt cửa hàng xăng dầu.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ ra rằng, kẽ hở là quy định của Bộ Tài Chính không nêu rõ tỷ lệ phân chia chi phí này trong Nghị định và Thông tư. "Doanh nghiệp bán lẻ nhận chiết khấu 0 đồng có nghĩa là họ hoàn toàn không được chia. Vậy chi phí định mức này đang ở đâu và ai đã hưởng hết phần này", ông Tây nói.

Ông này cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị lên Bộ Tài Chính về vấn đề này nhưng không nhận được phản hồi. Trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trả lời cho doanh nghiệp về chi phí này. Tuy nhiên, đến 17/4 đã hết thời hạn quy định, các Bộ vẫn không trả lời và Chính phủ chưa có biện pháp can thiệp.

Trong văn bản, ông Tây nêu tình trạng khó khăn của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong năm qua khi tự bỏ ra các chi phí điện, nước, lương, lãi vay, thậm chí có nơi bán ruộng vườn, phải bán bớt cửa hàng xăng dầu.

Nếu thông tư 104 của Bộ Tài chính không điều chỉnh song song với nghị định xăng dầu sửa đổi, bằng cách phân chia chi phí định mức theo tỉ lệ ở các khâu một cách rõ ràng, thì hiệu quả của việc sửa đổi nghị định là không đáng kể và bất ổn trên thị trường xăng dầu sẽ tiếp diễn.

"Quy định hiện tại tạo kẽ hở cho doanh nghiệp đầu mối chèn ép doanh nghiệp bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có" - ông Tây đại diện đơn nêu.

Trước đó, hôm 18/10, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc rà soát, điều chỉnh khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Còn Bộ Công Thương được yêu cầu hoàn thiện nhanh hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi.

Theo đó, ngày 20/10, Bộ Công Thương đã trình lại phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Ngoài loạt chính sách mới được bổ sung, dự thảo cũng đề xuất thời gian rà soát tính chi phí đưa xăng dầu về nước, về cảng, premium từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng. Mục đích cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp.

Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đã liên tục gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc góp ý, sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài Chính, Công Thương đưa ra mức cụ thể về chi phí định mức, mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Bị đầu mối chèn ép, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu cứu” Thủ tướng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới