Big 4 ngân hàng 'chạy đua' làn sóng miễn phí chuyển tiền từ 1/1/2022
Sau Vietcombank, BIDV và Agribank, VietinBank đã gia nhập vào làn sóng miễn phí giao dịch. Như vậy cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh (Big 4) đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa áp dụng mở rộng chính sách miễn phí vô điều kiện cho tất cả các khách hàng - miễn toàn bộ các loại phí trên kênh ngân hàng số - VietinBank iPay mà không cần tham gia gói hay duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản. Đây là chính sách ưu đãi phí đặc biệt và lớn nhất, lần đầu tiên được ngân hàng áp dụng với quy mô cho toàn bộ khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số.
Cụ thể, VietinBank sẽ áp dụng mức thu phí 0 đồng với tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng qua VietinBank iPay từ năm 2022; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không thu phí duy trì dịch vụ iPay, không thu phí duy trì dịch vụ thông báo biến động thông tin tài khoản qua OTT và miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế.
Đặc biệt, VietinBank còn tặng miễn phí đặt Alias tài khoản theo số điện thoại cho các khách hàng. Alias là dịch vụ đặt tên riêng cho tài khoản của VietinBank, cho phép khách hàng thỏa sức sáng tạo đặt tên và lựa chọn tên tài khoản gắn với tên cửa hàng, tên thương hiệu; số điện thoại, phong thủy hoặc một dãy gồm các ký tự chữ và số theo mong muốn, khẳng định thương hiệu, cá tính riêng.
Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ 1/1/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng công bố chính sách miễn toàn bộ phí trên kênh ngân hàng số BIDV SmartBanking. Theo đó, từ 1/1/2022, khách hàng cá nhân của BIDV được miễn toàn bộ phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm: phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV; phí duy trì dịch vụ; phí quản lý 1 tài khoản; phí tin nhắn OTT…
Vào giữa tháng 5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất (Big 4), chính thức tham gia cuộc đua miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số của Agribank.
Như vậy cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân. Đây là điều bất ngờ với giới trong ngành, đặc biệt với trường hợp của Vietcombank - ngân hàng trung thành với chiến lược thu phí lâu nay.
Theo lý giải của các "ông lớn" ngân hàng, việc miễn toàn bộ các loại phí duy trì, phí giao dịch thường xuyên của khách hàng trên kênh số mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về đăng ký gói dịch vụ hay duy trì số dư tối thiểu, giúp thuận tiện và dễ dàng khi giao dịch trên ngân hàng số.
Theo ghi nhận, xu hướng miễn phí dịch vụ được nhiều ngân hàng thương mại áp dụng thời gian qua và được xem là giải pháp quan trọng để thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, cũng như thu hút ngày càng nhiều lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí thấp, chỉ 0,1%-0,5%/năm. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ CASA ngày càng cao sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, cũng như giảm lãi suất cho vay.
Theo các chuyên gia tài chính, chính sách miễn, giảm phí của các ngân hàng thương mại sẽ giúp các ngân hàng huy động thêm nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Thói quen mua sắm, thanh toán trực tuyến đang dần thay thế phương thức truyền thống khiến lượng tiền trong tài khoản của người dân theo đó cũng tăng lên. Trong khi đó, CASA vốn được xem là "vũ khí" lợi hại giúp các ngân hàng huy động nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất rất thấp chỉ khoảng 0,2 - 0,5%/năm. Các ngân hàng có thể dùng số tiền đó để cho vay, từ đó góp phần gia tăng biên độ lợi nhuận (NIM).
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng, trong cuộc đua miễn phí dịch vụ, các ngân hàng không chỉ thu hút CASA mà còn là những tệp khách hàng. Thông tin, dữ liệu từ số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng sẽ giúp ngân hàng có chiến lược cụ thể cho từng phân khúc khách hàng đi cùng số dư tiền gửi trong tài khoản nhiều hay ít, chiến lược bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, trái phiếu, dịch vụ ngân hàng khác…
Lan Anh (T/h)