Bình Dương: Chủ động thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT Bình Dương đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thể hiện tinh thần chủ động và quyết tâm trong việc đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Các mục tiêu và nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đã được tỉnh lồng ghép vào Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, một trong những bước đi quan trọng là thực hiện đánh giá tác động của BĐKH đến kinh tế - xã hội và môi trường. Báo cáo đánh giá này, được UBND tỉnh Bình Dương ban hành vào tháng 3/2024 đã giúp tỉnh nhận diện rõ hơn những thách thức và rủi ro mà BĐKH gây ra, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch hành động này đã được tỉnh tích hợp vào chiến lược giảm phát thải khí metan đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Sở TN&MT Bình Dương cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính và tích hợp nhiệm vụ này vào các dự án phát triển của tỉnh, nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với BĐKH trong giai đoạn 2021-2025.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban Khoa học - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đưa ra nhận định sâu sắc về tác động của BĐKH: “BĐKH đang tác động một cách toàn diện đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Để thích ứng, chúng ta không chỉ đơn thuần chấp nhận mà còn phải chủ động chuẩn bị và hành động để làm giảm thiệt hại. Các giải pháp thích ứng phải đa dạng, có thể thực hiện ở từng cá nhân và quy mô cộng đồng, quy mô quốc gia, quy mô toàn cầu”.
Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn từ BĐKH là tài nguyên nước. UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đồng thời đánh giá tác động của BĐKH lên các hồ chứa nước. Để nâng cao khả năng trữ nước và đảm bảo nguồn nước cho các khu vực khan hiếm, tỉnh đang tiến hành nâng cấp các hồ chứa quan trọng như hồ Cần Nôm. Tổng kinh phí dành cho các hoạt động ứng phó với BĐKH tại tỉnh tính đến năm 2023 đã lên đến 14.384 tỷ đồng, cho thấy cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường.
Theo Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng, dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính. Tỉnh đang nỗ lực vượt qua các khó khăn này thông qua việc triển khai nhiều giải pháp chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc gia và quốc tế về BĐKH. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng chính sách, thể chế vững mạnh để ứng phó với BĐKH, lồng ghép các nội dung liên quan vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và du lịch, đảm bảo mọi ngành nghề đều có sự chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH. Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước sẽ được tăng cường nhằm thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ phục vụ cho quá trình ứng phó với BĐKH.
Để đảm bảo thành công trong việc ứng phó với BĐKH, tỉnh Bình Dương đã lập danh mục các dự án ưu tiên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Các đơn vị chủ trì sẽ được khuyến khích đăng ký vốn để triển khai kế hoạch hành động này. Đồng thời, việc giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH sẽ tiếp tục được thực hiện theo Kế hoạch số 6141/KH-UBND ngày 27/11/2023, giúp theo dõi tiến độ và hiệu quả thực hiện của các dự án liên quan.
Bình Dương cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức quốc tế trong việc phát triển các dự án BĐKH trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh đề nghị có các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các công trình liên quan đến năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và giảm phát thải khí nhà kính, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH trong tương lai.
Hồng Gấm