Bình Dương nâng cao trách nhiệm quản lý khí tượng thủy văn
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV).
Ngày 25/8/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 4336/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 2/3/2022 của Tỉnh ủy Bình Dương về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/09/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn (KTTV) đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị
Theo đó, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm, mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Ban Bí thư, Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 02/03/ 2022 của Tỉnh ủy.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của công tác KTTV trong thời kỳ mới. Tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương đối với công tác KTTV; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; Xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác KTTV nhằm thực hiện tốt mục tiêu phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phục vụ đời sống xã hội.
Đồng thời, các cơ quan ban ngành đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV đáp ứng các yêu cầu trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp, các ngành và địa phương.
Để thực hiện tốt những mục tiêu trên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu xác định rõ các nhiệm vụ để các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chỉ thị đã ban hành.
Việc thực hiện phải triển khai đồng bộ đến các cấp, các ngành, địa phương, gắn với sự phân công trách nhiệm rõ ràng và kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện; bám sát nội dung Kế hoạch số 51-KH/TU, Luật KTTV và các quy định có liên quan và phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Tạo sự đồng thuận trong quản lý
Cụ thể, Sở TN&MT Bình Dương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện mạng lưới KTTV chuyên dùng trong mạng lưới quan trắc chung của tỉnh Bình Dương để tích hợp vào nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng Kế hoạch phù hợp với thực tiễn của tỉnh Bình Dương để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh trong Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2020, tầm nhìn 2045.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Dương hoàn thiện, xây dựng quy chế phối hợp về tích hợp, đồng bộ dữ liệu về KTTV, thực hiện các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTV, hiện đại hóa công tác thu thập dữ liệu KTTV phục vụ cho việc khai thác, sử dụng, lồng ghép thông tin, dữ liệu KTTV, giám sát BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về KTTV trên địa bàn.
Đối với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai định kỳ 5 năm và hàng năm để chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó với từng cấp độ rủi ro thiên tai. Phối hợp trong công tác thực hiện Đề án Xây dựng mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ cho hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.
Còn Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện lồng ghép mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trong mạng lưới quan trắc chung của tỉnh trong nội dung Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công để đầu tư các trạm thuỷ văn theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng tham gia bảo vệ công trình KTTV văn trên địa bàn; Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về KTTV.
Ngoài ra, để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ thực hiện kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác khí tượng thủy văn, phân bổ đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn.
Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm duy trì, vận hành các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của tỉnh; các dự án ưu tiên thuộc Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 8/2/2021 của UBND tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh phân bổ ngân sách của tỉnh theo quy định; Trên cơ sở dự toán của các đơn vị và khả năng cân đối ngân sách của địa phương để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại.
Huỳnh Mai