Chủ nhật, 24/11/2024 03:23 (GMT+7)
Thứ hai, 28/10/2024 06:28 (GMT+7)

Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản gửi các đơn vị thuộc bộ yêu cầu đẩy mạnh quản lý về thương mại điện tử, sau khi hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thời gian qua hoạt động rầm rộ tại Việt Nam. Đặc biệt với các nền tảng xuyên biên giới như Temu, Shein và 1688.

Theo Bộ Công Thương, những nền tảng này hiện đã thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để truyền thông và hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện các rủi ro, đồng thời tránh giao dịch với các nền tảng chưa được xác nhận đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật của Việt Nam - Ảnh 1
Sàn Thương mại điện tử Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu ngay trong tháng 10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam. Việc này phải thực hiện ngay trong tháng 10. Trường hợp cần thiết, Bộ này phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để "có giải pháp kỹ thuật chặn phù hợp”.

Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Trong đó triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tạo thêm kênh bán hàng mới.

Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, website, livestream.

Tổng cục Quản lý thị trường được giao phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Các đơn vị liên quan rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép; đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.

Có phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời đánh giá tác động đối với thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng này.

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, xây dựng thương hiệu.

Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh cần được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện.

Thời gian gần đây, trang Thương mại điện tử Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo đã gây sốt tại Việt Nam khi bán nhiều sản phẩm có giá thành thấp, ngoài ra mức triết khấu tiếp thị liên kết của sàn này cũng ở mức rất cao, việc này đã nhanh tróng thu hút được lượng lớn người tiêu dùng Việt quan tâm. Tuy nhiên, nền tảng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, gây lo ngại về tính hợp pháp cũng như chất lượng sản phẩm.

Theo quy định, các sàn bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thừa nhận thực tế vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Trước đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook... Ông yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai, nộp thuế. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới