Chủ nhật, 24/11/2024 03:24 (GMT+7)
Thứ ba, 19/09/2023 16:44 (GMT+7)

Bộ ngành, cơ quan Trung ương nào có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất?

Theo dõi KTMT trên

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam… là các đơn vị đang dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Chiều 18/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3, chủ trì họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được Quốc hội giao là hơn 711.684 tỷ đồng, bao gồm gần 43.000 tỷ đồng cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3.

Tính đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,35%.

Bộ ngành, cơ quan Trung ương nào có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất? - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Nhân dân.

Trong số đó, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%).

13 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 11 đơn vị giải ngân dưới 25% là: Văn phòng Trung ương Đảng (0,04%); Tòa án nhân dân Tối cao (23,25%); Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (11,28%); Bộ Ngoại giao (6,69%); Bộ Tư pháp (23,07%); Bộ Nội vụ (7,95%); Đài Truyền hình Việt Nam (22,57%); Thông tấn xã Việt Nam (9,76%); Đài Tiếng nói Việt Nam (9,7%).

Đáng chú ý, riêng 2 đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc có tỷ lệ giải ngân 0% do đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, còn vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị và thủ tục nhập Tabmis.

Có 4 đơn vị đề nghị điều chỉnh giảm vốn là Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Bộ Nội vụ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổng vốn 477,418 tỷ đồng.

Theo phản ánh của các bộ, cơ quan, một số dự án chậm đều là các dự án mới, dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng, dự án xây dựng trụ sở cơ quan của các bộ, ngành ở địa phương, các dự án công nghệ thông tin… phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, nên đòi hỏi cần có thời gian.

Đặc biệt, có những dự án nhiều năm chưa triển khai được do nguyên nhân chủ quan từ đơn vị chủ đầu tư chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên lúc bắt tay vào triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan khi làm dự án phải lưu ý tuân thủ 3 quy hoạch, gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; chú trọng ưu tiên bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cũng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép điều vốn giữa các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tăng tiến độ giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện nội dung này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những bước tiến tích cực của các bộ, cơ quan kể từ phiên họp của Tổ công tác tháng 4/2023, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đến cuối năm, nhất là các bộ, cơ quan có được phân bổ số lượng vốn đầu tư công lớn.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan lập kế hoạch chi tiết, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn tư vấn có đủ năng lực; thực hiện nghiêm việc báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ KH- ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Phó Thủ tướng lưu ý đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, quy hoạch…, tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ông sẽ theo dõi chặt chẽ việc các bộ, cơ quan trả lại vốn chỉ với mục đích để làm đẹp tỉ lệ giải ngân của bộ, cơ quan mình; nếu bộ, cơ quan nào làm như vậy thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ công tác số 3 là một trong 5 tổ công tác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tổ công tác số 3 là một trong 5 tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra 17 Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; và 13 địa phương: TP. Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

H. An

Bạn đang đọc bài viết Bộ ngành, cơ quan Trung ương nào có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới