Chủ nhật, 24/11/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ ba, 25/01/2022 09:14 (GMT+7)

Cá chép đỏ rực ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời

Theo dõi KTMT trên

Cứ ngày 23 tháng chạp hằng năm, chợ cá ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc lại nhộn nhịp đông đúc, tiếng cười nói, tiếng í ới gọi khách mua, tính tiền, cân cá…vừa đông vui lại vừa có không khí Tết cổ truyền.

Theo truyền thống của người Việt, căn bếp ấm cúng luôn là linh hồn của bất cứ gia đình nào, nơi ấy mọi người quây quần bên nhau cùng chia sẻ những bữa cơm gia đình đầm ấm, cùng nhau kể về những hoạt động diễn ra trong ngày của mọi thành viên trong gia đình, từ đó dễ dàng cảm nhận hết được tình cảm gắn bó, đoàn kết của các thành viên. Tập tục tiễn ông Công, ông Táo về trời trước dịp Tết nguyên đán cũng vì lý do các vị thần này đều có mặt ở trong căn bếp của mỗi gia đình, có thể theo dõi hết diễn biến mọi chuyện của gia đình đó.

Vì vậy, hằng năm vào dịp 23 tháng chạp các ông Công, ông Táo lại cưỡi cá chép về trời bẩm tấu với Ngọc Hoàng chuyện nhân gian. Tập tục mua cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời cũng xuất hiện từ đó.

Cá chép đỏ rực ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời - Ảnh 1
Khắp các chợ cá lớn nhỏ trên khắp đất Việt đều bán nhiều loại cá chép vào dịp lễ lớn này. (Ảnh: Báo Dân trí)

Khắp các chợ cá lớn nhỏ trên khắp đất Việt đều bán nhiều loại cá chép vào dịp lễ lớn này. Nhiều gia đình có ao hồ cũng tranh thủ tạo giống, nuôi cá chép để bán trước ngày ông Táo về trời. Cá chép xám, cá chép vàng, cá chép đỏ…đều rất đa dạng và được chăm bẵm kỹ càng, thay nước liên tục để còn tươi nguyên đến tay khách hàng.

Có ghé các chợ cá đầu mối như chợ cá Sở Thượng ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội mới thấy hết được sự nhộn nhịp, đông đúc của những ngày cận kề ngày tiễn Táo Quân về trời. Những lúc này đi khắp chợ đâu đâu cũng là những thùng cá chép với hàng trăm con đang đua nhau hớp không khí, đua nhau ngoi lên mặt nước trong veo. Tiếng cười nói, tiếng chào mời của người mua kẻ bán vô cùng nhộn nhịp, vô cùng sống động trong những ngày cận kề năm mới này.

Những ngày gần 23 âm lịch, khi những đợt cá từ khắp các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam đổ về Hà Nội  với những chiếc ô tô đầy ự cá vàng cũng là lúc những khách bán buôn, bán lẻ cùng nhau ùa về “săn cá đẹp” mang đi bán.

Ngày ông Công, ông Táo (25/1, tức 23 tháng Chạp), chợ cá lớn nhất Hà Nội nhộn nhịp người mua bán, tuy không nhiều như mọi năm nhưng cá chép năm nay đắt hơn.

Những ngày cận tết lượng cá lại đổ về càng nhiều, mỗi ngày có tới hàng tấn cá được nhập về chợ rồi chẳng mấy chốc hết veo trong sự hân hoan của cá bên mua, bên bán. Những dịp lễ tiễn Táo Quân về trời, các tiểu thương đều tích cực nhập cá về bán vì mong lấy lộc chứ không hẳn vì lợi nhuận. Những ngày trước ngày 23 tháng chạp, giá cá có phần cao lên tới 200-300 ngàn đồng một ký, nhưng hai ngày trở lại đây giá cá đã có phần hạ nhiệt chỉ còn giao động khoản 70-100 ngàn đồng một ký.

Giải thích về lý do cũng như ý nghĩa phóng sinh cá chép, ông Nguyễn Cung Hà Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông cho biết: "Các gia đình thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp là dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Trong tất cả các loài sống dưới nước chỉ có cá chép là có thể vượt qua vũ môn lên trời và hoá thành rồng được.

Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng".

Cá chép đỏ rực ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời - Ảnh 2
Phóng sinh cá chép cần được hiểu đúng và đủ. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hào Hùng nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á cho hay không thể thay thế cá chép bằng con vật nào khác trong ngày cúng ông Công ông Táo: "Cá chép là phương tiện đi lại duy nhất không thể thay thế để Táo quân về trời. Do đó, không thể thay cá chép bằng con vật khác. Huống hồ cá chép đã trở thành biểu tượng của văn hóa: Cá hóa long (hóa rồng), cá vượt vũ môn (tôn vinh sự học thành đạt), thể hiện sự từ bi của người Việt (phóng sinh) đẹp như thế dễ gì thay được".

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Những con cá để dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là con cá to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được. Để thử độ khỏe mạnh của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá khỏe mạnh.

Nếu kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên để kiểm tra, nếu mang cá đỏ tươi nghĩa là đó là cá khỏe mạnh. Nếu mang cá màu đỏ thâm thì đó là con cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết.

Khi đi phóng sinh cá các bạn cần chọn những ao, hồ nước sạch, không gian rộng và không quá ô nhiễm. Khi thả, không đứng trên cao đổ xuống hay vứt cả túi cá xuống, làm như vậy cá có thể bị chết, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Cách đúng nhất để phóng sinh cá đó là chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cá chép đỏ rực ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới