Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ ba, 27/09/2022 13:50 (GMT+7)

Các loại giấy phép môi trường thành phần

Theo dõi KTMT trên

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các loại giấy phép môi trường thành phần trước kia tích hợp lại thành 1 loại giấy phép duy nhất được gọi là giấy phép môi trường.

Theo quy định mới này, nếu doanh nghiệp khi đã hết hạn một trong các GPMT thành phần trước kia thì bắt buộc phải làm lại GPMT mới theo quy định.

Các loại giấy phép môi trường thành phần - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)

Các loại giấy phép môi trường thành phần trước kia là gì?

Trước đây, 7 loại giấy phép môi trường thành phần là: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả thải vào nguồn nước, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xả khí thải công nghiệp, sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại (CTNH), giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH).

Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT

Là căn cứ để cơ quan Nhà nước kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đây cũng là cơ sở để chủ đầu tư đưa dự án đi vào vận hành, hoạt động.

Giấy phép xả thải vào nguồn nước

Là giấy phép tài nguyên nước, quy định về lưu lượng, chất lượng nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận phải an toàn với môi trường, đạt quy chuẩn của Bộ TNMT quy định dựa trên quá trình phân tích, đánh giá các thông số ô nhiễm trong nước thải có thể gây ảnh hưởng đến nguồn tiếp nhận.

Giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi

Đây cũng loại giấy phép tài nguyên nước để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát lưu lượng, chất lượng nguồn nước xả ra công trình thủy lợi nhằm đảm bảo lượng nước thải phải đáp ứng các thông số, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Là loại giấy cấp cho các tổ chức, cá nhân trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa. Đây là yêu cầu về BVMT và tổ chức, cá nhân sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Giấy phép xả khí thải công nghiệp

Theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý khí thải công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh lượng khí thải lớn ra môi trường phải tiến hành đăng ký chủ nguồn khí thải công nghiệp và chủ nguồn thải sẽ được cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát và quản lý các nguồn khí thải có tính chất phức tạp dễ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tạo ra môi trường đầu tư bền vững.

Sổ đăng ký chủ nguồn CTNH

Là loại hồ sơ môi trường mà các chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại phải đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp phép kinh doanh và xử lý chất thải nguy hại (theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TNMT).

Giấy phép xử lý CTNH

Là loại giấy phép cấp cho chủ đầu tư có dịch vụ xử lý chất thải nguy hại như xử lý, tái chế bao gồm cả các hoạt động như vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, lưu giữ.

Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép môi trường ra sao?

Căn cứ khoản 4 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về thời điểm gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường như sau:

Đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Bảo vệ môi trường 2020 gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi hết hạn 06 tháng.

Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ sản xuất, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc tăng, thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường.

Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện thu hút đầu tư các ngành, nghề đó (trừ trường hợp ngành, nghề hoặc dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đó khi đi vào vận hành không phát sinh nước thải công nghiệp phải xử lý để bảo đảm đạt điều kiện tiếp nhận nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung).

Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có thay đổi tăng số lượng nguồn phát sinh nước thải, bụi, khí thải làm phát sinh các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; phát sinh thêm thông số ô nhiễm mới vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng lưu lượng nước thải, bụi, khí thải làm gia tăng hàm lượng các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải; tăng mức độ ô nhiễm tiếng ồn, độ rung; thay đổi nguồn tiếp nhận nước thải và phương thức xả thải vào nguồn nước có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt hơn, gửi hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép môi trường trước khi thực hiện việc thay đổi và chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp giấy phép môi trường.

Theo khoản 2 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường như sau:

Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

 Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm tra thực tế thông tin dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường.

Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo kết quả được thực hiện trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở;

Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường.

Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường.

Việc sử dụng thống nhất một loại Giấy phép môi trường thay các loại giấy phép môi trường thành phần sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Tạ Nhị 

Bạn đang đọc bài viết Các loại giấy phép môi trường thành phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới