Các nước bàn giải pháp và kế hoạch thích ứng với BĐKH đến năm 2030
Trong 2 ngày 25-26/1, tại Hà Lan sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Thích ứng với biến đổi khí hậu (CAS) 2021, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. KHu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là ĐBSCL thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng từ nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất, với tần suất ngày càng gia tăng.
Để thích ứng với BĐKH, bên cạnh việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cam kết tăng cường sức chống chịu và nâng ca năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thiệt hại do BĐKH gây ra. Lồng ghép thích ứng BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại. Việt Nam coi dựa vào người dân, sự chung tay hợp tác, hành động của mỗi người dân là nền tảng cho triển khai thắng lợi các chương trình hoạt động thích ứng với BĐKH.
Mặc dù Việt Nam rất nỗ lực, nhưng tiềm lực nền kinh tế hiện mới đáp ứng được 30% nhu cầu thích ứng với BĐKH của quốc gia. Trong giai đoạn 2021 – 2030, cần huy động thêm khoảng 35 tỉ đô-la.
Trong bối cảnh thách thức BĐKH sẽ ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các quốc gia cần khẩn trương hành động và tăng cường khả năng thích ứng ngay từ bây giờ. Trước hết, cần nâng cao năng lực thích ứng cộng đồng, sự tham gia của mọi người dân, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành, các lĩnh vực trước các thách thức, tác động tiêu cực của BĐKH.
“Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, nhằm chuyển hóa các thách thức do BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững cho tất cả mọi người” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp thích ứng với các tác động của BĐKH như lượng mưa quá cao, hạn hán, nhiệt độ tăng và nước biển dâng… Ngân sách dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ là một chủ đề quan trọng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh. Trọng tâm là thuyết phục các định chế tài chính quốc tế, các nguồn quỹ sẽ phân bổ nguồn lực đồng đều hơn cho các giải pháp thích ứng bên cạnh giảm nhẹ phát thải.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua một Chương trình Hành động Thích ứng với BĐKH toàn diện, trong đó đưa ra các giải pháp và kế hoạch thích ứng với BĐKH cụ thể và thiết thực đến năm 2030.
Ngoài các thảo luận chính, đại diện từ chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học, tổ chức phi chính phủ và thanh niên trên toàn thế giới sẽ có thể tham gia vào một loạt các sự kiện trực tuyến của CAS 2021. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và truyền thông mạnh mẽ về các tác động của BĐKH, và nhấn mạnh sự cần thiết phải thích ứng ngay với BĐKH. Sự kiện bên lề của Việt Nam về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH” được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của CAS 2021 tại CAS Cinema.
Hội nghị thượng đỉnh CAS 2021 kết thúc Năm Hành động của Ủy ban Toàn cầu về Thích ứng (GCA) được khởi động từ 2018. Trong khuôn khổ hoạt động này, Hà Lan cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai “Kế hoạch Quốc gia về Thích ứng với BĐKH” trong thời gian tới.
Ngoài ra, Hà Lan đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc triển khai các sáng kiến và dự án mang tính tích hợp cao trong nhiều lĩnh vực, như: Chương trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm kiểm soát lũ lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án FDI nhằm chống sạt lở tại Hội An cùng một số chương trình đào tạo, chuyển giao kiến thức về thích ứng BĐKH.
Tại buổi thông tin báo chí về sự kiện này, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Akkerman nhấn mạnh thông điệp: Không có quốc gia có thể tránh khỏi tác động của BĐKH. Hành trình thích ứng BĐKH rất gian nan và chúng ta không còn nhiều thời gian. Cần hành động ngay từ bây giờ để xây dựng một hành tinh tốt đẹp hơn cho con em chúng ta và thế hệ mai sau”.
Khánh Ly