Chủ nhật, 24/11/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 16:20 (GMT+7)

Cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức

Theo dõi KTMT trên

Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia.

Hội nghị toàn quốc của Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (VUSTA) tổ chức chiều nay, 15/9, thu hút và ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu tham gia. 

Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng – Light, nêu một số ý kiến đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc để đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có thể đóng góp được hiệu quả hơn trong thời gian tới. Vấn đề thứ nhất là cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức đã và đang đóng góp tích cực tới An sinh xã hội – Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng - Bình đẳng giới và các vấn đề phát triển xã hội.

Cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức - Ảnh 1
TS.BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng – Light trình bày tham luận tại Hội nghị.

Vấn đề thứ 2, theo TS.BS Nguyễn Thu Giang, cần có chính sách động viên khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học, trí thức một cách kịp thời và bình đẳng, không phụ thuộc việc họ đang làm trong cơ quan nhà nước hay các tổ chức KH&CN ngoài công lập, các tổ chức xã hội…

Quan tâm tới các tổ chức KH&CN, các tổ chức xã hội hơn nữa, đảm bảo có các kế hoạch và chính sách cụ thể cho việc phát triển các thành phần trong xã hội một cách đồng đều và bền vững, đảm bảo sự hợp tác hiệu quả giữa nhà nước với doanh nghiệp và hệ thống các hội ngành, các tổ chức xã hội. Cần đặc biệt chú trọng vai trò của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam – cơ quan tập hợp của hàng nghìn tổ chức và hàng triệu các nhà khoa học trí thức hàng đầu Việt Nam – là đầu tàu tổ chức và kết nối, định hướng và nâng cao năng lực, phát huy trí tuệ và sự đoàn kết của các tổ chức và các nhà khoa học, trí thức Việt Nam.

Hỗ trợ và ghi nhận vai trò của các cá nhân, các tổ chức xã hội có uy tín, hội đủ các điều kiện về TÂM - TÀI - TẦM, có tinh thần yêu nước - ý chí vững vàng – trí tuệ sáng suốt và có những đóng góp tích cực. Chính các nhân tố này đã và đang đóng vai trò như một “thành tố không thể thiếu” tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, góp phần tạo thêm sức mạnh nội tại của quốc gia cũng như cũng như đóng góp quan trọng cho sự thành công của ngoại giao nhân dân, xây dựng hình ảnh một Việt Nam thống nhất và hùng cường.

Đối với công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 hiện nay, theo bà Nguyễn Thu Giang, Viện LIGHT đã tích cực và chủ động liên kết các tổ chức, các nhà khoa học trong việc tìm kiếm các nguồn lực và hợp tác với các cơ quan chính phủ trên các lĩnh vực: Nghiên cứu tác động của dịch tới các nhóm yếu thế, lao động tự do, người di cư… trên cơ sở đó xây dựng các khuyến nghị, đề xuất chính sách với các cơ quan Chính phủ. Cụ thể là Viện LIGHT với tư cách là Chủ tịch mạng lưới Mnet, đã gửi Khuyến nghị chính sách tới Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan vào tháng 4/2020 và tháng 7/2021 về các gói hỗ trợ An sinh xã hội cho người lao động tự do, người lao động bị mất việc; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ ký kết các khuyến nghị gửi tới các chủ nhà trọ để giảm tiền trọ cho lao động di cư…

Hỗ trợ thu thập các thông tin phản hồi từ các đối tượng thụ hưởng, kịp thời cập nhật và hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng các hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp (đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai “Hỏi – Đáp chính sách” trên các kênh thông tin của Bộ và các tổ chức xã hội…).

Tham gia truyền thông phổ biến chính sách tới các nhóm đối tượng yếu thế, và hưởng lợi: Thông qua các kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, các tổ chức xã hội, các nhóm tự lực là người lao động tự do, người di cư…

Chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, trong nước: Tổ chức và tham gia các Diễn đàn, Hội thảo khoa học về phòng chống dịch cũng như các vấn đề về An sinh xã hội, sinh kế và phát triển kinh tế hộ gia đình, chăm sóc sức khoẻ…

Huy động và kết nối các nguồn lực quốc tế, nguồn lực từ cộng đồng: Master Card và tổ chức Care quốc tế hỗ trợ vốn cho 1.000 phụ nữ khôi phục kinh doanh sau dịch, tổ chức Oxfam quốc tế hỗ trợ hơn 2.000 lao động tự do bị ảnh hưởng nặng bởi dịch, hợp tác với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ từ Việt kiều các nước cũng như tham gia tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học là Việt kiều các nước…

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến tham luận của các đại biểu khác. Đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, một trong số 90 Hội ngành toàn quốc của Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày tham luận “Hội Nghề cá Việt Nam luôn đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân nước ta”.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, thời gian qua, Hội Nghề cá Việt Nam chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thiết thực, kịp thời đối với những ngư dân/cộng đồng ngư dân; tham gia phản biện xã hội, xây dựng và thực hiện các dự án, các chính sách, chiến lược, luật pháp; bám sát tình hình hoạt động trên biển của ngư dân; xử lý kịp thời các tình huống xấu, các vụ tai nạn…; phản đối dưới các hình thức khác nhau đối với những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của nước ta…

Cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức - Ảnh 2
Đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Theo tham luận của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) - thành viên của VUSTA, đại diện cho gần 2,5 triệu ngư dân Việt Nam, là “cầu nối” của ngư dân với ngành thủy sản nước ta và các tổ chức nghề cá thế giới.

Mặc dù vậy, nghề cá và ngư dân vẫn đang phải đối mặt với những 
khó khăn, thách thức, như: Cảnh báo “Thẻ vàng” về IUU của EC tiếp tục tác
động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản; Tình hình an ninh, trật tự trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân; Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho ngành và ngư dân, chuỗi cung ứng thủy sản bị gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá bán sản phẩm hải sản giảm sâu; Tình trạng thiếu lao động khai thác hải sản lành nghề và được đào tạo lại trầm trọng hơn bởi dịch bệnh Covid; Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ; Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nhất là khâu bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHH TP. HCM báo cáo về những đóng góp và kiến nghị của đội ngũ trí thức Thành phố đối với sự phát triển của Thành phố mang tên Bác.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước điểm qua những đóng góp của đội ngũ trí thức TP trong thời gian qua và vai trò trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, đội ngũ trí thức đã cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng bộ và chính quyền hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của TP HCM; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sáng tại, ứng dụng, chuyển giao KH&CN góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát văn hóa TP HCM tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước nhìn nhận, đội ngũ trí thức TP HCM đã không ngừng tiến bộ, trở thành lực lượng hùng mạnh góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển của TP. Tuy nhiên trong thời gian tới, đội ngũ trí thức vẫn cần phát huy hơn nữa năng lực đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết Cần có chiến lược và kế hoạch phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, trí thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới