Cần giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, gắn với phát triển kinh tế
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Dự thảo nghị quyết nêu quan điểm phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước…
Sáng 7/1/2023, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho rằng: Cần giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tuấn Anh cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Dự thảo nghị quyết nêu quan điểm phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và khoáng sản.
Về vấn đề này, Nghị quyết 39 năm 2019 và Nghị quyết số 10 năm 2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, việc chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính....
Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển đến năm 2030. Theo đó, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đạt được những mục tiêu này cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tổng thể quốc gia làm căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai trong thực tiễn. Nghị quyết 29 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường đến năm 203. Do đó, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa các chỉ tiêu nói trên vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với đó, đại biểu Tuấn Anh cũng cho rằng phải bổ sung dự án biến đổi khí hậu trong danh mục các dự án quan trọng của quốc gia tại phụ lục kèm theo Quyết định. Kết quả giám sát về biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là hết sức cần thiết. Cử tri cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường hiệu quả đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là dự án có tính liên vùng, đa mục tiêu và tránh dàn trải.
Tuy nhiên, trong danh mục dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 kèm theo dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến các dự án quan trọng như dự án phát triển rừng ven biển, rừng đầu nguồn, dự án đập ngăn mặn, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính,… Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung những dự án này vào phụ lục danh mục các dự án quan trọng của quốc gia.
Cần chỉ rõ hình thức liên kết kinh tế vùng
Cũng tại phiên họp, đại biểu Lý Thị Lan (tỉnh Hà Giang) đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị bài bản, công phu, đại biểu Lan cơ quản nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch. Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề về mục tiêu, định hướng, quy mô phát triển của các ngành kinh tế cơ bản như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… theo 6 vùng kinh tế, xã hội như một số chỉ tiêu, quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, sản lượng của các sản phẩm chủ lực trong công nghiệp… cần được trình bày cụ thể hơn nữa làm cơ sở thiết lập cơ cấu phát triển kinh tế cho từng tỉnh.
Bên cạnh đó, những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng. Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế.
Mặt khác, về vấn đề cụm liên kết ngành, đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm, định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò, mối liên kết vùng của địa phương mình đối với vùng, quốc gia, quốc tế, giúp các địa phương tiếp cận được các nguồn lực để thực hiện được các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Huyền Diệu