Cần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về truyền thông
Truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, chứ không phải của riêng báo chí. Bởi vậy, các bộ ngành và địa phương phải có bộ máy chuyên trách, bố trí ngân sách hàng năm cho truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, báo chí là phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, lập kế hoạch truyền thông, bố trí ngân sách cho truyền thông.
Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp. Không những vậy, trong thời đại truyền thông xã hội, khi ai cũng có thể là tờ báo, là đài truyền hình, thì công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền.
Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ phận này có thể đứng riêng, có thể đưa về một vụ, một sở. Sở TT&TT tại các địa phương là làm quản lý nhà nước về báo chí, chứ không phải làm công tác truyền thông. Tỉnh muốn giao chức năng này về sở TT&TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, vật lực để làm. Người phụ trách công tác truyền thông của các bộ ngành, địa phương ít nhất cũng phải cấp vụ phó, phó giám đốc sở thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Vì công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực.
Phát biểu tại Diễn đàn Tổng biên tập năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 9 vừa rồi, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra những không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ông Lợi nhận định, báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, thì chính quyền các cấp và báo chí cùng bắt tay với nhau để cùng thực hiện một cái việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi.
Nói về cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người lao động thừa nhận rằng, báo chí hiện nay đang rất khó khăn, suy giảm về vị thế. Vì thế, theo ông, “truyền thông chính sách và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết và phải cần sự vào cuộc nhanh hơn”, bởi nếu không sẽ rất nhiều cơ quan báo chí đối diện với khó khăn, qua đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thưc hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách mang tính đặc thù và cũng rất cao cả của mình.
Hải An