Câu lạc bộ doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng kết nạp thêm 2 thành viên mới
Doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng có thêm FPT và Thế giới Di động. Với nhiều câu chuyện hấp dẫn, khả năng tăng trưởng của bộ đôi FPT và MWG vẫn được giới đầu tư đánh giá cao và điều này sẽ tiếp tục "bơm" nhiên liệu cho cuộc đua vốn hóa khốc liệt.
Chốt phiên 1/4, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới 111.000 đồng, đưa vốn hóa công ty công nghệ này lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt 100.738 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng tiến nhanh qua mốc 100 nghìn tỷ đồng và hiện có vốn hóa đạt 111.000 tỷ đồng.
Năm 2022, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số năm 2022 với kế hoạch doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 7.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021. 2 tháng đầu năm, doanh thu của FPT ước tính đạt 6.102 tỷ đồng, tăng 27% và LNTT đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Việc các thị trường nước ngoài phục hồi với nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, Chứng khoán Agriseco kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục ghi nhận các hợp đồng ký mới với tốc độ tăng trưởng hơn 30%, đóng góp đà tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2022.
Lạc quan hơn, SSI Research đánh giá LNTT năm 2022 của FPT có thể tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ trong đó dẫn dắt bởi mảng công nghệ, tăng trưởng 30,2% so với cùng kỳ nhờ cải thiện biên lợi nhuận. LNTT dịch vụ CNTT nước ngoài ước tính tăng 30% trong khi LNTT dịch vụ CNTT trong nước ước tính tăng trưởng 32% so với cùng kỳ.
Không chịu kém cạnh, MWG cũng lên kế hoạch năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 6.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 14% và 30% so với năm trước. 2 tháng đầu năm, doanh thu của MWG đạt 25.383 tỷ đồng, tăng 17% và LNST đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, MWG có nhiều câu chuyện đáng chờ đợi nổi bật là phương án chào bán vốn cổ phần riêng lẻ của Bách Hóa Xanh (BHX). Tỷ lệ chào bán tối đa là 20% vốn cổ phần của BHX. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến trong giai đoạn 2022-2023.
Mục đích sử dụng vốn là đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi BHX ra toàn quốc. Đối tượng phát hành sẽ là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam) chào mua cổ phần của BHX với định giá cao nhất.
Trước đó, MWG đã thể hiện tham vọng "đánh chiếm" thị trường Indonesia khi công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.
Liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai. Sự cộng hưởng giữa thế mạnh của hai bên được kỳ vọng sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ thống lĩnh thị trường Indonesia.
Với nhiều câu chuyện hấp dẫn, khả năng tăng trưởng của bộ đôi FPT và MWG vẫn được giới đầu tư đánh giá cao và điều này sẽ tiếp tục "bơm" nhiên liệu cho cuộc đua vốn hóa chưa thấy đích của 2 Bluechips này.
Cùng với việc Sabeco và Viettel Global quay trở lại cột mốc này, hiện sàn chứng khoán Việt Nam có 18 doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng – con số kỷ lục từ trước đến nay. Số doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô cũng ở mức kỷ lục với 64 doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp đang mấp mé cột mốc trăm nghìn tỷ là MBBank và ACB (hơn 90.000 tỷ), Masan Consumer và BSR (hơn 80.000 tỷ)…
Doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất hiện là Vietcombank (291.800 tỷ đồng, tương đương 12,9 tỷ USD). Vốn hóa của nhà băng này đã tăng liên tục từ năm 2017 đến nay. Hiện tại, vốn hóa của Vietcombank cùng Vingroup và VinHomes vẫn khá vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.
Hầu hết các doanh nghiệp chủ chốt của thị trường đều gia tăng quy mô trong giai đoạn từ 2017 đến nay, ngoại trừ Vinamilk và Sabeco.
Từng có một thời gian dài đứng trong top đầu vốn hóa thị trường nhưng với vốn hóa chỉ còn 171.000 tỷ đồng thì Vinamilk hiện không còn trong Top10. Cuối năm 2017, giá trị của Vinamilk vẫn còn đạt trên 300.000 tỷ đồng.
Vốn hóa của Sabeco hiện nay còn thấp hơn cả số tiền 110.000 tỷ đồng mà ThaiBev đã từng chi ra để mua 53,6% cổ phần vào cuối năm 2017.
Hà Anh