CEO Trần Văn Đức: Doanh nghiệp Việt thể hiện bản lĩnh và khát vọng vươn ra biển lớn
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, kinh doanh trên thương trường đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thể hiện được bản lĩnh và khát vọng vươn ra biển lớn của mình.


Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 900.000 doanh nghiệp hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh và gần 30.000 hợp tác xã. Các doanh nghiệp có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ… Không chỉ thể hiện được giá trị ở trong nước, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã vươn ra biển lớn, khẳng định được vị thế, thương hiệu trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Những sản phẩm được bày bán tại các nước trên thế giới không chỉ đơn thuần là kiếm lời trong sản xuất kinh doanh mà còn lan tỏa hình ảnh đất nước đến với tất cả các quốc gia trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để làm được điều đó là cả một hành trình dài đầy gian nan, tốn nhiều chất xám, mồ hôi và nước mắt. Các doanh nghiệp Việt phải “trầy trật” mới có thể định vị được thương hiệu ở các quốc gia vô cùng khó tính về nhập khẩu. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu đình trệ. Các doanh nghiệp vừa phải phát huy nội tại để tồn tại, ổn định sản xuất kinh doanh vừa phải chăm lo cho người lao động. Và sau khi “Zero Covid”, họ lại phải đi nối lại chuỗi cung ứng, nối lại thị trường xuất khẩu. Khi đó, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nói thế để thấy rằng, các doanh nghiệp Việt, đứng đầu là các doanh nhân đã phải lăn lộn, va vấp trên thương trường rất nhiều. Tuy nhiên, sau mỗi va vấp, họ lại phải thể hiện sức mạnh và sự linh hoạt trước sự biến đổi phức tạp của kinh tế thế giới. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Tôi cũng là một doanh nhân và luôn xác định trong bước đường kinh doanh và vươn ra biển lớn sẽ có những giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, doanh nghiệp càng phải biết cách thích nghi, linh hoạt xoay chuyển để lại vươn lên mạnh mẽ.

Cách đây không lâu, vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, lớn mạnh, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nhân, bằng những ý tưởng sáng tạo và khả năng chấp nhận rủi ro, tạo ra doanh nghiệp đóng vai trò là động lực của tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, nộp thuế cho nhà nước, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định được thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư tin tưởng rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hay tại các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp Việt. Theo đó, Thủ tướng khẳng định, yêu cầu cấp bách của những năm tới là Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo tinh thần tại Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hay mới đây, ngày 10/2/2025, Hội nghị với 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị một số tập đoàn lớn như Thaco, Hòa Phát, FPT… tham gia các dự án lớn của đất nước. Thủ tướng cam kết sẽ rà soát, xây dựng thể chế thông thoáng, với đội ngũ cán bộ dám nghĩ - làm - chịu trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Dẫn ra những điều này để thấy rằng, Đảng, Nhà nước đang rất tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ doanh nhân trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tôi vừa là Chủ tịch Hiệp hội đoanh nghiệp tỉnh Bến Tre, vừa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco). Cá nhân tôi xác định, là một doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0, thời kỳ chuyển đổi số, bản thân phải luôn chú trọng đổi mới sáng tạo để có thể phát triển một cách tối ưu nhất. Đó là số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại; đổi mới phương pháp quản trị công ty theo công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, điều đặc biệt quan trọng là phải chăm lo đến đời sống của người lao động, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho lao động và hoàn thành nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đối với một doanh nhân, vấn đề không chỉ là kinh doanh có lãi mà còn phải tạo ra nhiều giá trị khác. Giá trị với hình ảnh đất nước (xuất khẩu), giá trị với xã hội (sản phẩm) và giá trị nhân văn (tạo công ăn việc làm và chăm lo cho người lao động).

Đã là một doanh nhân thì “đạo đức doanh nhân” là tư chất, là tiêu chuẩn căn bản của người lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là nền tảng cho sự ổn định và phát triển doanh nghiệp lâu dài.

Doanh nhân Trần Văn Đức
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco)