Chân dung Tân Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng
Ông Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội, có 27 năm công tác tại Vietcombank và từng trải qua nhiều trị trí lãnh đạo trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT của nhà băng này.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK:VCB) vừa có thông báo về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 kiêm Tổng giám đốc giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Thời hạn bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng từ ngày 26/7/2024 đến hết nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đồng thời, ông Tùng cũng sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc Vietcombank. HĐQT Vietcombank bổ nhiệm ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành từ ngày 26/7 đến khi ngân hàng kiện toàn vị trí nhân sự Tổng giám đốc.
Vietcombank cũng miễn nhiệm chức vụ Thành viên phụ trách HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 với ông Đỗ Việt Hùng do ông Nguyễn Thanh Tùng đã giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Hùng tiếp tục là Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Tân Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1974 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Ông cũng là thạc sĩ kinh tế của Đại học Tổng hợp Paris Dauphine/ESCP.
Ông Tùng bắt đầu làm việc tại Vietcombank từ năm 1997, trải qua nhiều vị trí công tác, đến tháng 4/2019, ông được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc phụ trách khối bán buôn của Vietcombank.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2023, ông làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành. Sau đó, ông Tùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ 30/1/2023. Đến ngày 2/1/2024, ông Tùng làm Người đại diện theo pháp luật của Vietcombank, thay cho ông Phạm Quang Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ 1/1/2024).
Đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,84 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 41.244 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2022. Nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,99% - thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt khoảng 227%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Vietcombank tiếp tục là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (hơn 11.600 tỷ đồng), lần thứ 8 liên tiếp được đánh giá là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam; lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động. Không chỉ vững vàng ở vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, Vietcombank đã tiếp tục được ghi danh trong Danh sách100 ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.
Năm 2023 là năm đầu tiên Vietcombank lọt vào Top 20 Doanh nghiệp có Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2023. Có mặt trong Top 20 VNSI năm 2023 là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong các cam kết góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đề cao tính minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo giá trị chung cho cộng đồng.
Đặc biệt, trong năm 2023, Vietcombank đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động nhân kỷ niệm 60 năm thành lập (1/4/1963-1/4/2023) để ghi nhận những đóng góp bền bỉ của Vietcombank cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.
H.A