Chất lượng không khí Hà Nội có xu hướng tốt hơn trong thời gian giãn cách
Theo các chuyên gia môi trường, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, nên thu gom và xử lý theo đúng quy định, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong.
Trong tuần vừa qua, chất lượng không khí Thủ đô có sự cải thiện tốt hơn so với tuần trước. Theo đó, chỉ số AQI ở mức trung bình giảm, mức tốt tăng lên và không xuất hiện mức kém. Chỉ số AQI tại các trạm quan trắc dao động từ 12 - 68.
Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ có chất lượng không khí tốt hơn so với tuần trước, không có chỉ số AQI ở mức kém. Trong đó, trạm Chi cục Bảo vệ môi trường có 1 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 14.29%, còn lại đều ở mức tốt. Với các trạm Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ, tất cả các ngày trong tuần đều ở mức tốt.
Đối với 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Minh Khai, Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí cũng tốt hơn. Trạm Minh Khai có 1 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 14.29%, còn lại tất cả các ngày đều ở mức tốt. Trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.29%, còn lại ở mức trung bình. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần này là 54 và 68.
Ngoài ra, tại các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí trong tuần này đều ở mức tốt.
Các chuyên gia nhận định, trong tuần vừa qua, khí tượng vẫn là yếu tố tác động chủ yếu tới chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong tuần qua có một số ngày mưa vào giữa tuần và cuối tuần, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên người dân có ý thức hạn chế ra ngoài. Do vậy, lượng phương tiện tham gia giao thông không nhiều, các chất ô nhiễm được lưu thông và cải thiện hơn. Những ngày đầu tuần có nắng gay gắt và oi bức tại tất cả các điểm trên địa bàn thành phố, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khiến chất lượng không khí cũng tăng nhẹ.
Tuy nhiên, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo đúng quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi sinh sống.
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đặc biệt, người dân nên tranh thủ những lúc không khí trong lành mở cửa giúp không khí lưu thông tốt, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Điều này cũng giúp đẩy các chất ô nhiễm trong nhà ra ngoài, đồng thời làm cho ngôi nhà đón nhận được ánh mặt trời nhiều hơn.
Mặc dù chất lượng không khí được cải thiện, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm chống bụi mịn, thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Thùy Linh (T/h)