Chất lượng không khí Hà Nội duy trì ở mức tốt trong tuần qua
Theo các chuyên gia môi trường, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, nên thu gom và xử lý theo đúng quy định, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong.
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội trong tuần ở mức tốt, chỉ số AQI tại các trạm quan trắc dao động từ 13 - 84.
Cụ thể, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần qua chất lượng không khí không có AQI ở mức tốt. Riêng Trạm Chi cục Bảo vệ môi trường chỉ có 1 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 14,29%.
Với 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Minh Khai, Phạm Văn Đồng, chỉ số chất lượng không khí cao nhất trong tuần là 84 và 73. Ngoài ra, với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí trong tuần qua đều ở mức tốt và trung bình.
Với chỉ số chất lượng không khí tại các điểm quan trắc như trên, Chi cục Bảo vệ môi trường nhận định, khí tượng vẫn là yếu tố tác động chủ yếu tới chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong tuần qua có nắng vào đầu tuần và xuất hiện mưa do ảnh hưởng của bão từ giữa tuần đến cuối tuần tại tất cả các điểm trên địa bàn thành phố. Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên người dân có ý thức hạn chế ra ngoài, điều này khiến lượng phương tiện tham gia giao thông không nhiều, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không còn nên các chất ô nhiễm được lưu thông và cải thiện hơn.
Tuy nhiên, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo đúng quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi sinh sống. Đặc biệt, đang vào vụ thu hoạch lúa tại các khu vực ngoại thành, người dân cần tuyệt đối không đốt rơm rạ.
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Mặc dù chất lượng không khí được cải thiện, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm chống bụi mịn; thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Trước đó, vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc xuống tới mức ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguyên nhân không nhỏ gây ra hiện tượng ô nhiễm trên là do lượng khói được người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. "Khói từ việc đốt rơm rạ có khả năng khuếch tán không quá xa, nhưng gặp điều kiện thuận lợi như gió, nhiệt độ đã mang các chất bụi bẩn vào nội thành. Đồng thời, Hà Nội là khu vực có nhà cao tầng chắn gió, mật độ dân số cao nên các chất ô nhiễm có khả năng bám lại lâu", TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay.
Xây dựng không gian công cộng phát thải thấp
Mới đây, Sở TN&MT TP.Hà Nội vừa phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (LL) và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng mô hình Không gian công cộng phát thải thấp tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.
Trong đó, tập trung xây dựng khu vực sân chơi thân thiện với môi trường, sử dụng các mô đun thiết bị linh hoạt, tạo ra sự kết nối linh hoạt giữa các không gian công cộng trong đô thị, tạo thêm nhiều công năng cho cộng đồng (thiết bị chơi, trồng cây, rạp phim di động…). Các thiết bị được làm từ vật liệu tái chế và vật liệu tự nhiên có nguồn gốc bền vững (gỗ rừng trồng công nghiệp), bao gồm tổ hợp các thiết bị vận động cho trẻ em, các góc giáo dục môi trường và sinh thái nhằm tạo ra một không gian xanh, hấp dẫn, thân thiện với môi trường và có tính giáo dục cao.
Ngoài ra, còn có hệ thống pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho nhà văn hóa và các khu vực trong khuôn viên. Với công suất khoảng 20 kWp, hệ thống này sẽ đáp ứng được tương đương 90% nhu cầu dùng điện hiện tại của không gian này, ước tính sẽ giảm khí phát thải 1,6 tấn CO2 tương đương/năm và tương đương trồng được 1 ha rừng.
Đồng thời, thiết bị cảm ứng giám sát chất lượng không khí tự động cập nhật các thông số về chất lượng không khí tại khu vực như bụi mịn, nhiệt độ, độ ẩm… để cư dân có thể theo dõi chất lượng không khí hàng ngày tại khu vực này.
Đặc biệt là hệ thống bảng biển giáo dục môi trường, bao gồm các bảng tin cung cấp kiến thức về ô nhiễm không khí, rác thải, các tác động và giải pháp. Các bảng thông tin này được hệ thống hóa và thiết kế với những hình ảnh thân thiện, dễ nhớ, dễ nhận biết, giúp cho quá trình tìm hiểu kiến thức thú vị hơn.
Theo các chuyên gia đánh giá, đây là mô hình này được xây dựng với mục tiêu tăng sự gắn bó của cộng đồng, khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng lối sống phát thải thấp.
Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Gia tăng các phương tiện ô tô, xe máy, tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.
Theo ông Tùng, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi sẽ va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong (như Hà Nội đang làm) buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định.
Lan Anh (T/h)