Chủ nhật, 24/11/2024 04:26 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/12/2022 12:05 (GMT+7)

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả nước năm 2022 tăng 3,15%

Theo dõi KTMT trên

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và 2022. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tổng cục Thống kê cho biết, phần nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng là giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 34 đợt, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít. So với năm 2021, giá xăng dầu trong nước bình quân năm 2022 tăng 28,01%, làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm.

Nhiều mặt hàng tăng giá trong năm 2022

Ngoài giá xăng, nhiều loại mặt hàng thực phẩm, giá dịch vụ giáo dục, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, giá nhóm lương thực, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân… đều tăng. Do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

Cụ thể, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong năm 2022, giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 5 đợt và giảm 7 đợt, bình quân năm 2022, giá gas tăng 11,49% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả nước năm 2022 tăng 3,15% - Ảnh 1
Nhiều mặt hàng tăng giá trong năm 2022. Ảnh: TTXVN.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết làm cho giá gạo năm 2022 tăng 1,22% so với năm 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm năm 2022 tăng 1,62% so với năm 2021, làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 0,8%; giá thịt gà tăng 4,29%.

Giá nhà ở và vật liệu xây dựng năm 2022 tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục năm 2022 tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.

Thông tin về lạm phát cơ bản, Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Chủ động ứng phó lạm phát

Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời nhiều chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả nước năm 2022 tăng 3,15% - Ảnh 2
Chủ động ứng phó lạm phát. Ảnh: TTXVN. 

Một số chính sách hiệu quả nhằm giảm áp lực lạm phát như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động…

Tổng cục Thống kê nhận định, áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả nước năm 2022 tăng 3,15%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới