Chợ Chuộng, phiên chợ đầu xuân độc nhất vô nhị tại Việt Nam
Hàng năm cứ vào sáng ngày mùng 6 Tết, người dân các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và một vài địa phương khác lại nô nức kéo về bãi đất nằm ngay chân đê sông Sơn để đi chợ Chuộng.
Men theo các ngã đường dẫn đến một bãi đất nằm ngay dưới chân đê sông Sơn thuộc xóm Giang (nay là xóm Trùy Lạc Giang), xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), Chợ Chuộng nổi lên như một món ăn tinh thần không thể thiếu được từ bao đời nay của người dân các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn và các huyện lân cận. Với nhiều người, chợ Chuộng đã gắn họ với những ký ức tuổi thơ không bao giờ quên. Và cho dù có bận đến mấy, hễ cứ đến ngày mùng 6 Tết hàng năm là họ lại đổ về đây để được cùng nhau tham dự. Cũng bởi thế mà nhiều đời nay người dân nơi đây có câu "Bỏ con, bỏ cháu chứ không bỏ mùng 6 chợ Chuộng". Điều đặc biệt ở chợ Chuộng là chỉ mở duy nhất một phiên vào ngày mùng 6 Tết hàng năm và cũng không ai biết rõ nó có từ bao giờ?
Ngoài những nét chung giống những ngôi chợ khác như mua bán, trao đổi hàng hóa đơn thuần, chợ Chuộng còn có nét đặc sắc riêng mà không phải phiên chợ nào cũng có được, đó là Chợ Chuộng chỉ mở duy nhất một ngày trong năm là ngày mùng 6 Tết; Giá trị lớn nhất mà phiên chợ mang đến lại không phải là việc trao đổi mua bán hàng hóa mà là ở giá trị tinh thần. Người dân cho rằng đi chợ Chuộng là để có một năm gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và trong lao động sản xuất. Họ cũng quan niệm rằng những đồng quà, tấm bánh mà con cháu mua tại chợ Chuộng đem về để biếu ông, bà, cha, mẹ trong dịp đầu năm mới mang ý nghĩa về tấm lòng hiếu thảo và biết ơn của con, cháu đối với công lao của đấng sinh thành.
Và đã là chợ Chuộng thì phải xảy ra việc đánh nhau giữa những đám thanh niên trai làng, nếu không đánh nhau thì trong năm đó việc làm ăn sẽ không ngặp may mắn. Chính vì vậy mà trong suốt một quảng thời gian dài, hễ cứ đi chợ Chuộng là lại xảy ra việc đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Tuy nhiên nét đặc sắc này trong những năm gần đây đã không còn được duy trì nữa do liên quan đến vấn đề đảm bảo về an ninh trật tự mà thay vào đó là những trận ném quả cà chua chín của những nam thanh, nữ tú.
Chợ Chuộng có từ bao giờ?
Cho đến bây giờ, dường như đây vẫn chỉ là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Ông Lê Sỹ Giang 92 tuổi, hiện đang sống tại thôn 2, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa cho biết: "Năm nào tôi cũng đi chợ Chuộng, nhưng chợ Chuộng có từ khi nào thì tôi cũng không rõ, chỉ biết là do cha ông kế thừa lại". Trong khi đó ông Lê Như Tuân – nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng bày tỏ: "Tôi cũng không biết là chợ Chuộng có từ khi nào, chỉ nghe lưu truyền rằng năm xưa có nghĩa quân di chuyển trên dòng sông này, khi đi đến đoạn xóm Giang thì bị kẻ thù tấn công. Trước tình huống trên, người dân nơi đây đã phải nhanh chóng tổ chức họp chợ để nghĩa quân có nơi trà trộn vào, hòng che mắt chúng".
Cũng là người dân thường xuyên tham gia phiên chợ Chuộng, ông Nguyễn Văn Quyền, 78 tuổi, hiện đang sinh sống tại xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa chia sẻ: "Tôi nghe nói chợ Chuộng có từ thời nhà Lê. Khi nhà vua di chuyển đến khu vực này, ông đã lệnh cho nghĩa quân dừng lại để nấu cơm ăn, từ đó có tên là chợ Chuộng, tức là vua chuộng mảnh đất này"!
Trải qua quá hình thành và phát triển, hiện chợ Chuộng vẫn đang là món ăn tinh thần không thể thiếu được vào ngày mùng 6 Tết hàng năm của người dân các huyện nói trên. Và cho đến thời điểm hiện tại, UBND xã Đông Hoàng đã ba lần tiến hành di chuyển chợ ra vị trí mới nhưng cả ba lần đều không thành công. Hiện tại chính quyền địa phương và người dân đang làm tốt mọi công tác chuẩn bị để phiên chợ tiếp tục được diễn ra tốt đẹp vào mùng 6 Tết năm nay.
Đình Đông