Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/09/2022 06:55 (GMT+7)

Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo dõi KTMT trên

Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 803/CĐ-TTg ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo đó, trong những ngày vừa qua tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại nhà cửa, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, có nơi đã xảy ra thiệt hại về người. 

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu thế phức tạp, cực đoan, bất thường, mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai. 

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.

Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra - Ảnh 1
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và các tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu hoặc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi mưa lũ, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ.

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ.

Được biết, trong những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, trái quy luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu, thiên tai nghiêm trọng thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước,có xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt với 22 loại hình thiên tai xảy ra khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét sạt lở đất, ngập lụt ngày càng khốc liệt vượt các mốc lịch sử đã được ghi nhận. 

Rủi ro do thiên tai gây ra có xu hướng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, sức ép từ sự gia tăng dân số, các tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế xã hội và các hoạt động phát triển ở thượng nguồn cùng với sự chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của bộ phận cán bộ và người dân. Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngày một nặng nề hơn trước yêu cầu bảo vệ xã hội an toàn hơn.

Trong những năm gần đây, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được thể chế trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 (Đề án 1002) với mục tiêu đưa ra các hoạt động, giải pháp về phòng ngừa, trong đó cộng đồng đóng vai trò làm trung tâm trong mọi hoạt động phòng, chống thiên tai, khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng vào công tác quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức, năng lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới