Chủ nhật, 24/11/2024 04:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 08:45 (GMT+7)

Chứng khoán toàn cầu hướng tới tuần tệ nhất kể từ tháng 3, thị trường trong nước cũng lao dốc

Theo dõi KTMT trên

Thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi một cơn bão hoàn hảo, trong bối cảnh lãi suất tăng vọt, dữ liệu Trung Quốc không khả quan và thanh khoản mùa hè kém. Trong nước, thị trường bất ngờ lao dốc mạnh khi đang tăng trưởng tốt.

Vấn đề về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ FED khiến thị trường toàn cầu lao dốc

Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới vừa có một tuần sóng gió và đang hướng tới mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 3. Vấn đề về nền kinh tế Trung Quốc và nguy cơ FED nối trở lại các đợt tăng lãi suất tạo gánh nặng lớn lên tâm lý các nhà đầu tư.

Chứng khoán tương lai của Mỹ chuẩn bị bước vào phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, các chỉ số đều giảm điểm. Dow Jones Futures giảm 205 điểm, tương đương 0,6%. Trong khi đó, S&P 500 futures và Nasdaq Futures cũng lần lượt giảm 0,68 và 0,94%.

Chứng khoán toàn cầu hướng tới tuần tệ nhất kể từ tháng 3, thị trường trong nước cũng lao dốc - Ảnh 1
Thị trường xuất hiện nhiều cuộc bán tháo. Ảnh minh họa

Chiến lược gia Emmanuel Cau của Barclays Plc lưu ý rằng: “Thị trường đang bị ảnh hưởng bởi một cơn bão hoàn hảo, trong bối cảnh lãi suất tăng vọt, dữ liệu Trung Quốc không khả quan và thanh khoản mùa hè kém”.

Xu hướng tránh né rủi ro được duy trì sau khi biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố. Nội dung biên bản cho thấy các quan chức đang xem xét chính sách một cách chặt chẽ hơn, đồng thời dập tắt hy vọng rằng ngân hàng trung ương đã hoàn thành việc tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tại Jackson Hole, tiểu bang Wyoming vào tuần tới để đánh giá tâm lý của FED.

Chứng khoán lao dốc trong bối cảnh khoảng 2,2 nghìn tỷ USD các hợp đồng quyền chọn gắn liền với cổ phiếu và chỉ số dự kiến đáo hạn trong ngày 18/8. Goldman Sachs Group Inc. cảnh báo rằng hoạt động này đang thúc đẩy đợt bán tháo gần đây trên thị trường.

Mặt khác, dầu Brent ghi nhận mức giảm đầu tiên sau chuỗi 7 lần tăng. Các nhà đầu tư đang cân nhắc những dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trước lo ngại về kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ của Mỹ.

Thị trường trong nước có thể điều chỉnh tới đâu?

Sau nhiều tháng phục hồi và tăng điểm tích cực, chứng khoán trong nước ngày 18/8 bất ngờ rơi tự do. VN-Index giảm sốc hơn 55,49 điểm (-4,5%), mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Toàn thị trường có hơn 2 tỉ cổ phiếu được chuyển nhượng, kỷ lục từ trước đến nay và giá trị giao dịch gần 42.000 tỷ đồng, cao nhất trong 17 tháng qua.

Đại diện một số công ty chứng khoán cho hay dù đã dự báo thị trường có thể điều chỉnh sau giai đoạn tăng cao nhưng cú giảm cuối tuần thật sự "quá nhanh và quá gắt". Phân tích yếu tố khiến thị trường bị bán tháo, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nói thị trường đã tăng liên tục từ đầu tháng 6/2023 đến nay và chưa có nhịp điều chỉnh nào đáng kể. Nhiều cổ phiếu nhà đầu tư có lãi từ 50%-70%, thậm chí có mã tăng gấp đôi trong thời gian ngắn nên việc họ chốt lời khi thị trường diễn biến tiêu cực là dễ hiểu. 

Chứng khoán toàn cầu hướng tới tuần tệ nhất kể từ tháng 3, thị trường trong nước cũng lao dốc - Ảnh 2
Đồ họa: Anh Thanh

"Yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng đến từ việc cổ phiếu của VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ tăng mạnh ngày đầu nhưng lao dốc 2 phiên sau đó, tác động tiêu cực tới cổ phiếu VIC (công ty mẹ của VinFast) và nhà đầu tư lo ngại nhịp điều chỉnh xuất hiện từ đó đà bán tháo lan rộng. Đồng thời, một công ty chứng khoán lớn thông báo giảm tỉ lệ ký quỹ (margin) của một số mã cổ phiếu cũng kích hoạt tâm lý lo lắng của nhà đầu tư", ông Khánh nêu quan điểm.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định dù thị trường ngày 18/8 mới giảm mạnh nhưng thực tế trong khoảng 2-3 tuần qua, một số nhóm cổ phiếu đã giảm trước và nhà đầu tư gần như không có lãi. 

Những cổ phiếu tăng nóng, dẫn dắt thị trường lại là những doanh nghiệp thiếu nền tảng và có kết quả kinh doanh kém trong quý II, điển hình là nhóm bất động sản. Điều đó có nghĩa thị trường đã bước vào vùng rủi ro cao, nhất là tỉ lệ margin của các công ty chứng khoán đang phình to, gần tiếp cận vùng đỉnh 3,4% giai đoạn 2021 - 2022. 

"Chúng tôi đã dự đoán thị trường có nhịp điều chỉnh tiềm ẩn nhưng thực tế diễn ra với áp lực bán rất lớn, khối lượng bán chủ động nên nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó xoay xở, nhất là bất ngờ với những người mới tham gia thị trường. Dù vậy, với nhịp điều chỉnh 5%-7%, thậm chí 10% của thị trường là cần thiết trong ngắn hạn, riêng xu hướng trung hạn của thị trường vẫn tích cực" - ông Tuấn nói.

Vậy thị trường có thể điều chỉnh tới đâu? Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nhịp giảm càng mạnh thì thị trường sẽ càng sớm phục hồi bởi xu hướng tăng vẫn chưa bị lung lay. Do đó, có 2 kịch bản dự kiến sẽ xảy ra. Nhịp điều chỉnh tiếp theo nếu có sẽ ở mốc 1.160 điểm hoặc vùng thấp hơn ở 1.125 điểm. 

"Nếu phiên kế tiếp thị trường giảm mạnh về các mốc này, nhà đầu tư không nên bán tháo mà có thể cân nhắc canh mua vào với 2 nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán. Bởi với giá trị giao dịch đạt kỷ lục hiện tại, chứng khoán là nhóm cổ phiếu hưởng lợi. Đồng thời, cổ phiếu bất động sản đã giảm mạnh nên sẽ có xu hướng phục hồi mạnh hơn khi thị trường đi lên" - ông Thế Minh nói. 

Hà Minh (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán toàn cầu hướng tới tuần tệ nhất kể từ tháng 3, thị trường trong nước cũng lao dốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới