Chủ nhật, 24/11/2024 04:59 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/02/2021 05:52 (GMT+7)

Chúng ta sẽ đi đâu?

Theo dõi KTMT trên

Cuối cùng thì hóa ra vụ việc cậu học sinh tát cô giáo để đòi lại chiếc tai nghe đã xảy ra từ năm ngoái. Và dù bị kỷ luật lưu ban, cậu học sinh vẫn được tiếp tục theo học tại trường vào năm sau.

Chúng ta sẽ đi đâu? - Ảnh 1

Bởi sau khi xin lỗi cô giáo và nhà trường, gia đình cho biết cậu học sinh mắc chứng trầm cảm, thường rối loạn cảm xúc và không kiểm soát được hành vi khi bị lấy đi món đồ mình thích.

Nhiều tờ báo đưa tin đã lặng lẽ hạ bài. Nhiều Facebooker xóa status. Một lần nữa, như nhiều lần khác, truyền thông và mạng xã hội bị “hố”. Nhưng lần này khác với những lần khác, sự nóng vội công kích khiến một chuyện đáng tiếc ở học đường trở nên buồn hơn, những người bị tổn thương một lần nữa lại phải chịu tổn thương gấp nhiều lần.

Những tưởng, thế đã là quá đủ. Vậy mà tôi vẫn đọc được một câu chuyện mở rộng chủ đề này trên Facebook. Một phụ huynh kể rằng, lần nọ có người đưa con đến nhà mua hàng. Trong khi bà mẹ lui cui chọn đồ trên gác, thì đứa bé ở dưới quậy tung nhà lên, không thể nào bảo được. Khi người mẹ quay xuống, chị vội xin lỗi và giải thích con mình “có vấn đề”. Lời xin lỗi đó không làm chủ nhà thấy ổn thỏa, người ấy lập luận rằng nếu đã biết con mình như thế thì nên để chúng ở nhà, hoặc nếu thật cần thiết phải đưa đi đâu thì nên tự quản, tránh gây phiền hà cho người khác.

Tôi đọc câu chuyện này, gác phần cảm tính sang một bên để tư duy thật rành mạch. Rồi tôi nhớ tới cuốn sách từng gây cho mình ấn tượng mạnh mẽ của tác giả Jean-Louis Fournier, có tựa đề “Ba ơi mình đi đâu”. Cuốn sách mỏng thôi, gồm nhiều đoạn ngắn, có những câu chuyện, có những suy nghĩ và những cảm xúc mạnh mẽ của một người cha có 2 đứa con trí não kém phát triển. Lối hành văn trào phúng mạnh mẽ, cười ngạo nghễ với bất hạnh trớ trêu mà tạo hóa dành cho mình (như chính tác giả nói, nếu có 1 đứa con bất thường là ngày tận thế với bất kỳ ai, thì ông có tới 2 ngày tận thế), đùa cợt với mọi người, với chính sách dành cho người khuyết tật, với báo chí truyền thông, với tôn giáo, với những người tìm cách yêu thương hay xa lánh, với chính bản thân mình và 2 đứa con. Tất cả khiến “Ba ơi mình đi đâu” trở thành một cuốn nhật ký khiến người ta có thể cười, dù sẽ phải khóc, nhưng sau cùng thì sẽ thấu hiểu.

Tôi không thích từ “tật nguyền” - Jean-Louis Fournier viết – Tôi càng không thích từ “bất thường” nhất là khi nó bị gắn với “trẻ con”. Bình thường có nghĩa là gì? Là như cần phải thế, như người ta lẽ ra phải thế, nghĩa là ở mức trung bình, tầm tầm. Tôi không thích những gì ở mức trung bình cho lắm, tôi không thích những người không ở mức trung bình hơn, những người trên mức trung bình, và tại sao lại không phải là những người dưới mức trung bình chứ, nói tóm lại không như tất cả mọi người. Tôi thích cách diễn đạt “không như những người khác” hơn. Không như những người khác, điều đó không nhất thiết ngụ ý là kém tốt hơn những người khác, mà ngụ ý là khác với những người khác. Một chú chim không như những chú chim khác, đó là gì? Đó có thể là một chú chim mắc chứng chóng mặt mà cũng có thể là một chú chim có khả năng hót tất cả các bản xô-nát viết cho sao của Mozart mà không cần đến bản dàn bè…

“Ba ơi mình đi đâu?” là câu hỏi mà mỗi ngày những đứa con của Jean-Louis Fournier đều hỏi ông, lặp đi lặp lại hàng trăm lần trong xe ô tô, suốt quãng đường dài. Không phải lúc nào người bố cũng đủ mạnh, ông từng đưa ra những kịch bản kinh khủng cho câu hỏi đó, như là đi đến Alaska vuốt ve gấu và bị chúng xé xác, như là đi hái nấm độc và ăn, như là đi trên cát lún và xuống địa ngục. Có hề gì, đứa con vẫn hỏi “Ba ơi mình đi đâu?”. Và cuối cùng thì người bố bật cười.

Trong những cơn cuồng nộ, đám đông luôn đưa ra những tiêu chuẩn theo kiểu bình quân, đặt ra những nguyên tắc đạo đức và ứng xử mẫu mực, tự cho mình quyền lên án rồi phán xét. Kể từ khi lập quốc, có lẽ ngành giáo dục chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, khó khăn hơn cả thời bom rơi đạn lạc, khi mà nhất cử nhất động của thày của trò đều có thể bị tung lên mạng, và khi đó thì chuyện sẽ vượt rất xa khỏi tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục (trong nhiều trường hợp, ngay cả Bộ trưởng cũng bị công kích nặng nề như bất kỳ ai mà thôi).

Nhưng nếu cuộc tấn công và những lời phán xét ấy sai lầm, thì đám đông đơn giản là im lặng và chờ đợi miếng mồi kế tiếp, không xin lỗi, thậm chí không buồn quan tâm những người trong cuộc rồi ra sao. Ai là thủ phạm? – nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng đặt ra câu hỏi này – và nó vẫn ở đấy.

Cuối năm ngoái, tôi được Mạng lưới Điều trị Tự kỷ Autism Speaks mời tới dự một cuộc hội thảo về phương pháp giáo dục dành riêng cho trẻ tự kỷ. Rồi giữa cuộc hội thảo, đột nhiên tôi được mời lên bục, cùng một số nhà báo nhận bằng chứng nhận. Trên đó ghi rằng, những người đang vận hành Mạng lưới Điều trị Tự kỷ ghi nhận và cám ơn những đóng góp và quan tâm tới những người tự kỷ trên toàn thế giới. “Chúng tôi tin rằng nhận thức sẽ dẫn lối cho hành động, và chúng tôi mãi tri ân” – tấm bằng viết như vậy.

Tôi cầm tấm bằng chứng nhận, nhìn xuống hội trường, nơi những phụ huynh và giáo viên vẫn ngày ngày kiên trì với những đứa trẻ tự kỷ, bằng tất cả tình yêu và lòng nhẫn nại của họ, tôi tự thấy mình không xứng đáng. Bởi vì tôi luôn biết mình sẽ đi đâu, cũng như dễ dàng trả lời câu hỏi ấy của con mình.

Nếu thiếu nhận thức và lòng nhân ái, chúng ta sẽ đi đâu?

Gia Hiền

Bạn đang đọc bài viết Chúng ta sẽ đi đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới