Xúc động chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng” vang mãi sau 55 năm
Tối ngày 29/10, nhân kỷ niệm 55 năm sự kiện lịch sử Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2023) tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (Nghệ An), Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng”.
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh…
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; thân nhân các liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn; các nhân chứng lịch sử; cựu thanh niên xung phong; các lực lượng từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Truông Bồn...
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nơi đây được xem là tuyến lửa khốc liệt nhất.
Nơi đây, tháng 10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, Truông Bồn đã ghi đậm những chiến công đánh Mỹ, những gian khổ, hy sinh của lớp lớp thanh niên xung phong, những người lấp hố bom, mở đường không biết mỏi, những người đứng giăng hàng làm “cọc tiêu sống” cho xe đi trong đêm tối. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến trường từng một thời khói lửa. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Phát biểu tại chương trình, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối, trong đó có 13 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317 của Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An, vì nền hòa bình và độc lập của Tổ quốc hôm nay.
“Chúng ta đang có mặt ở đây để cùng làm sáng lên đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng lên chủ nghĩa yêu nước, đã làm cho dân tộc ta trở nên bất diệt. Truông Bồn là một biểu tượng sáng ngời của tinh thần Xô viết, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sẽ còn nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống đất này trong niềm cảm thương, xúc động. Và mãi mãi, tấm gương các liệt sĩ Truông Bồn cho ta một thế đứng làm người cao đẹp, một lựa chọn sống cao cả", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn, tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thắng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sĩ, cùng toàn thể nhân dân tình cảm quý trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn - Dấu chân anh hùng” gồm màn trình diễn thực cảnh có sự tham gia của chính người dân Truông Bồn để họ tự kể câu chuyện lịch sử của chính mình. Đây cũng là lần đầu tiên, ban tổ chức kết hợp trình diễn sân khấu với công nghệ hiện đại mô tả những nét nổi bật của vùng đất Truông Bồn, cũng như nhấn mạnh sự tri ân, lòng biết ơn và tưởng nhớ những người đã ngã xuống.
Trong chương trình, họa sĩ Trí Đức đã tái hiện cuộc chiến lịch sử ở Truông Bồn bằng tranh cát, kết hợp cùng với các màn trình diễn trên sân khấu. Âm nhạc trong chương trình là những bài hát tôn vinh Truông Bồn, tôn vinh những người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Chương trình kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại, đặc biệt là những làn điệu dân ca, ví dặm đặc trưng của vùng đất miền Trung này.
Tại chương trình, ban tổ chức đã trao 14 sổ tiết kiệm tặng thân nhân 13 gia đình liệt sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn và nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông; trao ủng hộ 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng để cùng tỉnh Nghệ An chung tay thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Tuấn Quỳnh