Chủ nhật, 24/11/2024 06:45 (GMT+7)
Thứ ba, 08/02/2022 07:12 (GMT+7)

Chương trình phục hồi: 'Khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa'

Theo dõi KTMT trên

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Mục tiêu giải ngân 42% năm 2022 và 58% năm 2023 không phản ánh được tính khẩn trương của một gói kích thích phục hồi kinh tế. Theo tôi, cần khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa".

Khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua vài ngày sau, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu gửi thông điệp đến Chính phủ: “Quốc hội đã rất khẩn trương rồi, câu hỏi là bao giờ Chính phủ cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp, các chính sách tài khóa tiền tệ để ban hành Chương trình. Phải khẩn trương quyết liệt. Cá nhân tôi rất mong muốn trong tháng 1 này nhìn thấy (Chương trình) được ban hành”.

Chương trình phục hồi: 'Khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa' - Ảnh 1
"Mục tiêu giải ngân 42% năm 2022 và 58% năm 2023 không phản ánh được tính khẩn trương của một gói kích thích phục hồi kinh tế". (Ảnh minh hoạ)

Ngày 30/1/2022, đáp lại kỳ vọng, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. Như vậy, ngay trong tháng 1, Chương trình phục hồi trị giá gần 350.000 tỷ đã chính thức được ban hành.

Ngay sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã trao đổi một số nhận định khi Chương trình phục hồi chính thức được ban hành.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế,TS Lê Xuân Nghĩa nhận định về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ vừa triển khai cụ thể hóa trong Nghị quyết 11 như sau:

5 mục tiêu cụ thể ở chương trình lần này bao gồm

Nhóm mục tiêu đầu tiên là đầu tư nâng cao năng lực y tế; phòng, chống dịch bệnh. Đây là nhóm mục tiêu được ưu tiên và rất quan trọng vì đại dịch Covid-19 vừa qua đã phơi bày những hạn chế của cơ sở hạ tầng y tế trong nước.

Không chỉ hạ tầng bệnh viện và thiết bị y tế thiếu thốn, lực lượng y bác sĩ mỏng mà cả nền công nghiệp y tế nói chung còn nhiều yếu kém. Năng lực sản xuất vaccine, các loại kit thử, thuốc phòng chống dịch bệnh có tính chất cộng đồng cũng yếu. Ngay cả sản xuất những bộ đồ bảo hộ y tế mà ta cũng phải mất 3 tháng trời mới nhập khẩu được vải về để sản xuất, trong nước không sản xuất nổi những loại vải đó.

Để nâng cao năng lực y tế, sắp tới, việc đầu tư cho những phòng nghiên cứu dược học nói riêng và đầu tư phát triển cả ngành công nghiệp y tế nói chung là rất tốn kém.

Về tổng thể, tôi cho rằng đây là gói mà trong giai đoạn tới cần đầu tư nhiều hơn và phải nhìn nó trong tương lai dài hạn, rằng chúng ta có thể còn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh phức tạp hơn dịch Covid-19. Việt Nam là quốc gia đông dân, rất cần chủ động trong năng lực y tế.

Nhóm mục tiêu thứ hai là an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm thì một gói rất tích cực là hỗ trợ an sinh thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với quy mô khoảng hơn 40.000 tỷ cho nhiều mục tiêu: Cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở xã hội; Cho vay học sinh sinh viên, cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Đây là gói mà tôi đánh giá cao nhất cả về mục tiêu, cách làm, đối tượng. Nó đúng với mục tiêu của Ngân hàng Chính sách Xã hội và phù hợp với năng lực thể chế, bộ máy của Ngân hàng này là xuống rất sâu trong dân, nhất là những vùng nghèo.

Chương trình phục hồi: 'Khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa' - Ảnh 2
TS Lê Xuân Nghĩa.

“Một gói rất tích cực là hỗ trợ an sinh thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với quy mô khoảng hơn 40 nghìn tỷ cho nhiều mục tiêu… Đây là gói mà tôi đáng giá cao nhất cả về mục tiêu, cách làm, đối tượng”. 

Cùng với đó, đáng chú ý là gói hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho một số đối tượng lao động, mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/tháng. Tôi đánh giá ở chừng mực nhất định, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì hỗ trợ như vậy là tạm ổn, mục tiêu là rất tốt nhưng có vẻ nguồn lực còn hơi hạn chế.

Liên quan đến nhóm mục tiêu thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, trong đó bao gồm các hỗ trợ tài khóa như giảm thuế VAT, giảm thuế phí, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ 2% lãi suất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Cách làm tôi đánh giá như thế là ổn, có rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 với điều kiện doanh nghiệp được hỗ trợ là doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực nhất định được quy định. Điều kiện hỗ trợ là đối tượng đã được vay vốn hoặc đáp ứng các điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại chấp thuận.

Nhóm mục tiêu thứ tư được nhiều chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, bao gồm tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền; Hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; Hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; Hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhóm này tôi đánh giá có đặc điểm là không bị lỗi thời, tức là dư địa thời gian lúc nào cũng có, thực hiện ngay hay thực hiện trong tương lai thì đều tốt cả. Nhưng đẩy nhanh thời gian thực hiện càng sớm càng tốt sẽ tạo ra sức lan tỏa trong dài hạn rất tốt. Theo một tính toán cũ của chúng tôi, 1 đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thì sẽ lan tỏa tạo ra 1,2 đồng cho nền kinh tế.

Tôi cho rằng đây là nhóm giải pháp thúc đẩy phục hồi tốt nhất, khắc phục được tình trạng trì trệ lâu nay trong đền bù giải phóng mặt bằng của đầu tư công cũng như những trục trặc trong cơ chế đầu tư PPP…

“Theo một tính toán cũ của chúng tôi, 1 đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thì sẽ lan toả tạo ra, 1,2 đồng cho nền kinh tế. Tôi cho rằng đây là nhóm giải pháp thúc đẩy phục hồi tốt nhất…”. TS Lê Xuân Nghĩa

Vấn đề lớn nhất của gói này liên quan đến thúc đẩy nhanh giải ngân nhanh chóng, thì chìa khóa nằm ở nhóm giải pháp thứ 5 về cải cách thể chế, làm thế nào giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu.

Với nhóm mục tiêu thứ 5 về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tôi kỳ vọng đây là nhóm mục tiêu chúng ta phải triển khai triệt để cả trong dài hạn. Hy vọng đó sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại toàn bộ thể chế hiện tại và nền tảng pháp lý xem liệu nó thực sự thúc đẩy tăng trưởng như chúng ta mong muốn hay chưa, kể cả đầu tư trong nước, đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Khi ta ngồi vào bàn để sửa luật thì bắt đầu có hiện tượng lợi ích cục bộ, rồi tâm lý sợ phải chịu trách nhiệm. Nói chung, các mục tiêu trên có chậm trễ hay không là do nhóm mục tiêu thứ 5 quyết định nhiều.

“Với nhóm mục tiêu thứ 5 về cải cách thể chế…, hy vọng đó sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại toàn bộ thể chế hiện tại và nền tảng pháp lý xem liệu nó thực sự thúc đẩy tăng trưởng như chúng ta mong muốn hay chưa”. TS Lê Xuân Nghĩa

Trước đó, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2022 sẽ thực hiện và giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của Chương trình, 58% còn lại sẽ thực hiện và giải ngân trong năm 2023. Tỷ lệ giải ngân liệu đã hợp lý. Vấn đề này ông Nghĩa phân tích:

Thực ra như mong muốn của nhiều chuyên gia thì tốc độ giải ngân phải nhanh hơn nữa. Giải ngân để thúc đẩy phục hồi thì phải nhanh chứ đợi đến khi phục hồi rồi thì nói làm gì?

Hiện Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn đình trệ do Covid-19 sang giai đoạn phục hồi, mình muốn rút ngắn giai đoạn phục hồi này như các nước khác thì giải ngân Chương trình phục hồi phải nhanh. Các quốc gia khác họ triển khai những gói khổng lồ hơn nhiều mà giải ngân chỉ trong 1-2 năm là cùng. Khi dịch bệnh bắt đầu giảm bớt là các gói kích thích phục hồi của họ đã vào cuộc rồi.

Với mục tiêu giải ngân 42% năm 2022 và 58% năm 2023 như vậy không phản ánh được tính khẩn trương của một gói kích thích phục hồi kinh tế. Theo tôi, cần khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa trong xúc tiến giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển này.

Còn nguồn lực có lẽ không khó khăn gì, bởi Nghị quyết 43 của Quốc hội thậm chí đã cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu và Ngân hàng Nhà nước có thể mua. Trong bối cảnh lạm phát rất thấp thì có thể làm điều đó nhanh chóng.

Chương trình phục hồi: 'Khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa' - Ảnh 3
TS Lê Xuân Nghĩa.

“Cần khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa trong xúc tiến giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi này. Còn nguồn lực có lẽ không khó khăn gì, bởi Nghị quyết 43 thậm chí đã cho phép Bộ Tài chính phát hành trái phiếu và NHNN có thể mua”. 

Vấn đề giải ngân khó nhất là gói đầu tư cơ sở hạ tầng thôi, vì nó còn dính đến nhiều luật như Luật bất động sản, Luật đấu thầu… Chứ các gói khác như hỗ trợ lãi suất hay cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thì đều có thể đẩy nhanh thực hiện được nếu nguồn lực đã sẵn sàng.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chương trình phục hồi: 'Khẩn trương hơn nữa, thần tốc hơn nữa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới