Chủ nhật, 24/11/2024 06:28 (GMT+7)
Thứ năm, 03/08/2023 17:00 (GMT+7)

Chuyên gia hé lộ nguyên nhân xuất hiện các nứt, gãy ở Đắk Nông

Theo dõi KTMT trên

"Cơ quan quản lý nên có một cuộc khảo sát địa chất trên quy mô lớn, từ đó có được cơ sở dữ liệu chính xác, khoanh vùng có nguy cơ nứt, gãy sạt lở để đưa ra cảnh báo cho người dân", PGS.TS Lưu Đức Hải lưu ý.

Sáng 2/8, mặt quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông, xuất hiện nhiều vết nứt dài phía gần bờ hồ Đại La. Nhiều vị trí nứt rộng khoảng 5 - 20 cm. Nhà cửa nhiều hộ dân sống gần đó cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, ngày 1/8, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (cách TP.Gia Nghĩa khoảng 80 km) cũng xuất hiện vết nứt dài 200 m sau hai tiếng nổ lớn. Hiện vết nứt lan rộng, kéo dài hơn một km, chính quyền địa phương phải di dời hàng trăm người dân.

Chuyên gia hé lộ nguyên nhân xuất hiện các nứt, gãy ở Đắk Nông - Ảnh 1
Cận cảnh một vết nứt, gãy trên mặt đất tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, có 3 nguyên nhân tiềm năng dẫn đến việc xuất hiện các nứt, gãy ở Đắk Nông.

"Thứ nhất, ở khu vực đó có thể tồn tại một lưới đứt gãy, bởi khi quan sát các hình ảnh tại hiện trường, tôi thấy vách suối rất thẳng.

Thứ hai, đó là những hoạt động kinh tế tại khu vực đó (hoạt động canh tác nông nghiệp, hoạt động xây dựng...) khiến lớp phủ thực vật bị mất đi, mưa lớn làm cho nguy cơ nứt, gãy, sạt lở đất ngày càng tăng.

Thứ ba, Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung có lớp vỏ phong hóa rất dày, trong khi đó lớp đất tại khu vực này có tính chất thấm nước rất cao, sau khi thấm nước có thể tăng kích thước lên đến 15%, dẫn tới hiện tượng nứt, gãy sạt lở", PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích.

Chuyên gia hé lộ nguyên nhân xuất hiện các nứt, gãy ở Đắk Nông - Ảnh 2
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (ngoài cùng bên trái).

Để giảm thiểu tối đa những nguy cơ mà hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất gây ra, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam lưu ý, khi xây dựng các công trình, người dân nên tránh xa những vách núi cao, những sườn dốc có độ ngiêng lớn. Ngoài ra, cũng cần phải khảo sát xem địa chất khu vực đó có nằm trên khối trượt hay lưới đứt gãy nào đi qua hay không.

"Khi xảy ra mưa lớn kéo dài, chúng ta cần phải theo dõi sát diễn biến, nếu xuất hiện các hiện tượng như rung chuyển, nứt, gãy, thì phải lập tức di chuyển đến nơi an toàn.

Một vấn đề nữa, đó là cơ quan quản lý nên có một cuộc khảo sát địa chất trên quy mô lớn, từ đó có được cơ sở dữ liệu chính xác, khoanh vùng có nguy cơ nứt, gãy sạt lở để đưa ra cảnh báo cho người dân", PGS.TS Lưu Đức Hải lưu ý.

Sau khi xuất hiện tình trạng nứt, gãy tại xã Quảng Trực, ngày 1/8, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp Ủy ban nhân dân xã Quảng Trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Quảng Trực tổ chức di dời 17 hộ dân, với 53 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến cư trú tại một trường học trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ người dân các suất ăn để tạm thời ổn định cuộc sống trong khi chờ các lực lượng chức năng di dời tài sản đến địa điểm tạm trú.

Cùng ngày, Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến hiện trường để tiến hành khảo sát hiện tượng nứt gãy tại khu vực bon Bu Krắc, xã Quảng Trực. Hiện vẫn chưa có đơn vị nào đưa ra kết luận nguyên nhân của vụ nứt gãy trên.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia hé lộ nguyên nhân xuất hiện các nứt, gãy ở Đắk Nông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới