Chủ nhật, 24/11/2024 05:09 (GMT+7)
Thứ ba, 25/07/2023 08:10 (GMT+7)

Chuyện giữ rừng ở Mường Lói

Theo dõi KTMT trên

Xã Mường Lói (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm cách trung tâm huyện hơn 80km.

Xã Mường Lói (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm cách trung tâm huyện hơn 80km. Từ lâu, Mường Lói vốn không chỉ là xã có diện tích rừng lớn nhất trong các xã biên giới khó khăn của huyện Điện Biên, mà còn được biết đến là nơi có truyền thống giữ rừng rất tốt, khiến cho hàng nghìn ha rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên sinh và sản xuất luôn được giữ gìn xanh tốt qua nhiều năm và đời sống người dân các bản trong xã ngày càng no ấm hơn nhờ được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng già cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn tại bản Lói, xã Mường Lói, ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói chia sẻ: Diện tích rừng của xã tương đối lớn, trên tổng số 12.000ha đất lâm nghiệp của xã thì diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn chiếm phần lớn với gần 8.500ha, còn lại là rừng sản xuất khoảng 3.200ha.

Vì rừng phòng hộ đầu nguồn chủ yếu là rừng già, rừng nguyên sinh, nên dù chỉ thăm quan ngoài bìa rừng, chúng tôi cũng nhìn thấy hàng chục cây thân gỗ cao vời vợi, to ngang vài người ôm mới xuể, thân xù xì, gai góc nổi bật giữa những tầng tán xum xuê, xanh mướt của thảm thực vật rừng.

Nói về vai trò của rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, theo ông Đào Văn Trọng, rừng phòng hộ đầu nguồn không chỉ điều tiết nước các con sông, suối bắt nguồn từ nước bạn Lào sang Việt Nam, chảy vào suối Huổi Puốc quanh địa bàn xã, giúp che chắn lũ, bảo vệ đời sống cho người dân trong xã mà còn là nơi thờ cúng tâm linh linh thiêng của người dân tộc Lào sinh sống hàng chục năm nơi này. Chính vì vậy, những năm qua, cộng đồng người dân tộc Lào sinh sống tại Mường Lói đặc biệt lưu tâm việc bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Đồng thời, việc giữ rừng cũng gắn với những câu chuyện, truyền thuyết về tâm linh của bà con dân tộc Lào sinh sống trong bản.

Chuyện giữ rừng ở Mường Lói - Ảnh 1
Tại rừng phòng hộ đầu nguồn xã Mường Lói có nhiều cây thân gỗ to vài người ôm

Theo già làng trong bản Lói, xã Mường Lói kể lại, trong số diện tích rừng đầu nguồn có hơn 20 ha là rừng già, rừng nguyên sinh gắn với truyền thuyết về rừng ma. Cánh rừng này nằm ngay bên bờ suối Huổi Puốc, thuộc trông coi quản lý của dân bản Lói.

Dẫn chúng tôi tham quan rừng ma, già làng Lò Văn May, sinh sống bản Lói kể: Truyền thuyết kể rằng, vào thuở khai sinh lập địa, Quan Mường đã tới khai phá mảnh đất này, dựng thành bản Lói cho con cháu dân tộc Lào sinh sống. Sau đó Quan Mường về khu rừng này trú ngụ và khi mất được chôn cất trong rừng. Hàng năm cứ vào đầu tháng 12 và tháng 6 dương lịch, dân bản Lói lại đem lễ vật tới cúng Quan Mường, cầu cho cuộc sống ấm êm, mưa nắng thuận hòa, con cái khỏe mạnh, dân bản làm ăn thuận lợi... Quan Mường linh thiêng lắm, do được ngài phù hộ nên nhiều năm nay dân bản chúng tôi ai cũng chịu khó làm ăn, có cuộc sống no đủ, sung túc, bản làng chan hòa, bình yên... Chỉ tay vào cây gỗ lớn, già làng May nói thêm: “Đó là cây lát hoa đã trên 100 tuổi. Khu rừng này còn nhiều cây dổi, cây dẻ cổ thụ nữa, hàng ngày dân bản chúng tôi đi vào khe suối đánh cá, vẫn nhìn thấy nhiều vượn, khỉ chuyền cành, nghe tiếng voọc kêu, tiếng chim hót véo von...”.

Nhìn khu rừng còn nguyên sơ, chúng tôi cảm thấy khâm phục tài giữ rừng của người dân nơi đây, bởi những cánh rừng già như thế ở Điện Biên hiện còn rất ít. Có lẽ, từ truyền thuyết về Quan Mường được lưu truyền nhiều thế hệ, nên từ khi sinh ra cho đến lúc lớn khôn, dân bản Lói đều nhắc nhở nhau ý thức bảo vệ khu rừng thiêng, không ai phá rừng và cũng không để người nơi khác tới phá rừng.

Chuyện giữ rừng ở Mường Lói - Ảnh 2
Người dân xã Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ký cam kết bảo vệ rừng với chính quyền địa phương.

Cũng theo già làng, trước đây có một số đối tượng lạ vào rừng ma để khai thác gỗ trái phép. Dân bản Lói đã ngăn cản, nhưng họ vẫn ngang nhiên xẻ gỗ. Tuy nhiên, khi chưa mang được gỗ ra khỏi rừng, có vài người đã bị thú rừng cắn chết, những người còn lại bị thân gỗ to đè lên cũng mất mạng. Từ đó, không còn ai dám vào rừng Ma để khai thác nữa. Riêng dân bản thì vẫn tổ chức các buổi đi tuần tra, bảo vệ rừng 2 lần/tuần.

Bản Lói hiện nay có hơn 100 hộ dân với hơn 650 nhân khẩu. Do cuộc sống làm ăn thuận lợi, chăm chỉ nên mấy năm nay số hộ nghèo của bản giảm nhanh chóng, giờ đây bản chỉ còn 10 hộ nghèo và không có người mắc tệ nạn xã hội. Bà con bản Lói đều tin tưởng rằng, do ý thức gìn giữ, bảo vệ khu rừng ma linh thiêng bao đời nay nên họ mới có được cuộc sống như vậy. “Mấy năm gần đây, dân bản Lói và các bản trong xã chúng tôi được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên bà con giữ rừng như giữ gìn cuộc sống; đồng thời, còn tuyên truyền cho người dân bản khác phong trào bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng”. – ông Đào Văn Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lói chia sẻ thêm.

Hoàng Châu

Bạn đang đọc bài viết Chuyện giữ rừng ở Mường Lói. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới