Cơ hội dài hạn trong thu hút đầu tư nước ngoài
Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những dấu hiệu chuyển dịch từ các nước sang Việt Nam từ năm 2019, với mức 28% về số dự án, 7,1% về vốn đăng ký và 6,7% về vốn thực hiện so với năm 2018. Cùng với đó, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong năm 2019 cũng tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong những tháng đầu năm 2020.
Công ty TNHH NEO Optical ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với 100% vốn đầu tư của Pháp, chuyên sản xuất kính mắt thời trang. Sản phẩm của công ty xuất khẩu đến 29 quốc gia. |
Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án, khiến thu hút FDI giảm mạnh. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho thấy, dòng vốn FDI đã chững lại. Năm tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN chỉ bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý, giá trị góp vốn mua cổ phần của các nhà ĐTNN vào doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã liên tục giảm mạnh về giá trị, làm giảm mạnh tổng vốn đầu tư. Nếu như bốn tháng đầu năm 2019, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN chiếm tới 48,9% tổng vốn FDI thì bốn tháng đầu năm 2020 chỉ còn 20,1%. Quy mô bình quân của một thương vụ góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 0,77 triệu USD, nên số thương vụ tăng 32,9% so cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt 2,48 tỉ USD, giảm 65,3% về giá trị. Điểm tích cực là vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh vẫn tăng hơn so cùng kỳ nhờ có dự án “lớn” cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn.
Vụ trưởng Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Việt Phong phân tích: Sự sụt giảm vốn FDI vào Việt Nam có hai lý do. Thứ nhất, quý I-2019, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn FDI rất cao. Thứ hai, chính sách hạn chế đi lại do dịch Covid-19 bùng phát khiến các hoạt động xúc tiến đầu tư và các chuyến công tác tìm hiểu cơ hội của các nhà đầu tư tiềm năng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đưa ra các quyết định đầu tư, trong đó có Apple, ExxonMobil… Số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, ASEAN, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) đều giảm mạnh. Cả hai yếu tố này đã dẫn đến tình trạng thu hút vốn FDI sụt giảm, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và đây cũng là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất ở Việt Nam.
Hoạt động của các DN FDI cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Cục ĐTNN cho biết, Apple đã phải hoãn dự kiến tăng 20% số lượng đơn hàng sản xuất tại Việt Nam (khoảng 12 tỉ USD xuất khẩu). Nike ước tính có khoảng 10 triệu đôi giày và hàng may mặc bị chậm sản xuất tại Việt Nam và In-đô-nê-xi-a. Nhiều DN phải vận chuyển nguyên nhiên liệu cho sản xuất bằng đường biển, đường hàng không thay cho đường bộ cho nên chi phí logistics tăng cao.
DN FDI cũng gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ và giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước có dịch như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po. Trước khó khăn đó, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên khiến lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Bốn tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI giảm, sau nhiều năm liên tục tăng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân, số người nhiễm thấp, không có người chết do dịch. Các chuyên gia kinh tế lạc quan đánh giá, việc khống chế thành công dịch Covid-19 sẽ là lực kéo luồng vốn ngoại vào Việt Nam trong thời gian tới. Với những diễn biến mới trong quan hệ quốc tế từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn FDI có khả năng sẽ tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sau khi dịch kết thúc. Dự báo lượng vốn FDI thu hút cả năm 2020 sẽ sụt giảm so với năm 2019 song nếu có giải pháp thích hợp, lượng vốn giải ngân sẽ đạt khá và không sụt giảm nhiều. Đây là thời điểm cần tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn và nguồn vốn có chất lượng cao mới phản ánh thực chất hiệu quả của hoạt động thu hút FDI.
Nguyên Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị các cơ quan xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với nhà ĐTNN đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút ĐTNN cho phù hợp tình hình mới. Bên cạnh việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tính chất của ĐTNN là dài hạn, nên có triển vọng thu hút ĐTNN sau khi kết thúc dịch và quá trình sắp xếp lại cơ cấu, địa bàn đầu tư của các nhà ĐTNN. Điều đáng nói là, Việt Nam có lợi thế là môi trường đầu tư luôn được cải thiện, ổn định chính trị, vị trí địa lý thuận lợi, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, được cộng đồng quốc tế đánh giá giá cao cho nên cần phát huy lợi thế này để đón đầu cơ hội chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Lợi thế này sẽ còn được nhân lên nếu như nỗ lực phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thành công, vốn đã được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực trong thời gian qua.
Để sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế này, chúng ta cần tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, họ cần phải hiểu rõ hơn Việt Nam để hỗ trợ cho những quyết định mới của họ; triển khai các chính sách hỗ trợ DN do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với DN, qua đó củng cố niềm tin của cộng đồng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời luôn chuẩn bị tốt các điều kiện về thể chế, chính sách, pháp luật, đất đai, nhân lực, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận các dự án lớn, các dự án phù hợp định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 13,8 tỉ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, cả nước có 1.212 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 7,4 tỉ USD. Về vốn điều chỉnh, có 436 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt hơn 3,4 tỉ USD. Bên cạnh đó, có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN tại các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn 2,99 tỉ USD. Trong năm tháng năm nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,7 tỉ USD. Về tình hình xuất nhập khẩu, xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 66 tỉ USD; nhập khẩu đạt 55,5 tỉ USD. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Tô Hà