Coi trọng phát triển, không xem nhẹ bảo tồn
Câu chuyện một số địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó có các vườn quốc gia, vùng di sản thiên nhiên bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí bị tàn phá về cảnh quan, môi trường là thực trạng đang diễn ra nhiều năm nay ở Việt Nam.
Áp lực phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, môi trường đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ trong cách tiếp cận.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).
Nhìn vào thực tế nhiều vườn quốc gia (VQG), vùng di sản... ở nước ta bị xâm hại trong thời gian qua thì việc hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển nên được nhìn nhận cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói thiên nhiên rất ưu ái cho Việt Nam với rất nhiều cảnh quan, vùng tự nhiên đẹp. Những VQG, vùng di sản, quần thể danh thắng gần đây được thế giới công nhận và đưa vào danh sách bảo tồn là một minh chứng rất rõ ràng, danh sách ấy có thể còn được kéo dài thêm nữa. Trong đó, có những di sản mà trên thế giới không có, như Vịnh Hạ Long. Chúng ta cần cố gắng hết sức để bảo tồn và phát triển, không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế đơn thuần mà vì nhiều mục đích khác.
Trong quá trình phát triển, chắc chắn con người sẽ tác động ít nhiều đến môi trường để tạo dựng cảnh quan hoặc nâng tầm mỗi vùng miền, nhưng phải cân nhắc làm sao để không gây ảnh hưởng xấu đến thực trạng của nơi ấy. Muốn trồng cây gì, hay nuôi con gì phải xem xét kỹ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng bản địa có phù hợp hay không, để không phá vỡ cân bằng sinh thái.
Nếu ta nhập những giống loài không đúng thì sẽ cản trở sự phát triển của các giống loài khác (ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, cây mai dương phát triển cực nhanh làm thay đổi hệ sinh thái và làm các giống cây khác không mọc được, hay như các loài chuột gặm nhấm gây hại cho cây trồng...).
Trong hệ thống VQG ở nước ta có cả VQG biển đảo như VQG Cát Bà, chúng ta không chỉ bảo tồn khu vực trong đất liền mà còn hình thành các khu bảo tồn biển đảo, gắn với phát triển kinh tế biển xanh. Những vấn đề về bảo tồn VQG biển đảo, các rạn san hô, đặc biệt các vùng kinh tế biển cần bảo đảm được an ninh, vùng chủ quyền gắn với bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.
Không thể phủ nhận quá trình đầu tư, phát triển du lịch mạnh mẽ với nhiều dự án lớn nhỏ đã đem lại những thay đổi, lợi ích kinh tế cho địa phương. Nhưng đi liền với đó là những hệ luỵ xấu cho môi trường sinh thái, liệu cái giá phải trả này có tương xứng không, thưa ông?
- Sự phát triển thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhưng chúng ta phải làm sao để tác động đến tự nhiên ít nhất. Những gì thuộc về bản địa cần được gìn giữ, chứ không đánh đổi phát triển bằng bất cứ giá nào.
Chẳng hạn vấn đề thoát lũ ở miền Tây, hay phát triển nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ sinh thái rừng ngập mặn bị ảnh hưởng mạnh, chúng ta đắp bờ đê để ngăn mặn, liệu đã đảm bảo được tốt nhất chưa? Tôi cho là chưa, vì những khu vực trồng cây ăn trái mà chúng ta làm đê bao để ngăn mặn thì bây giờ vùng sinh thái nơi ấy đang bị ảnh hưởng mạnh, tình trạng sạt lở, ngập mặn ngày càng nghiêm trọng. Những vùng khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy.
Đầu tư phát triển, trong đó chú trọng phát triển du lịch trở thành ngành công nghiệp “không khói”, để tăng thêm lợi ích kinh tế, lợi ích cho người dân địa phương, nhưng phải giữ gìn cảnh quan vùng sinh thái, để không phải trả giá đắt về sau này. Thực tế, đã có những hậu quả mà chúng ta phải trả giá rồi, tôi sợ rằng có những sai lầm muốn sửa chữa thì cũng không có cơ hội để làm lại.
Có ý kiến cho rằng, cái khó nhất trong xây dựng du lịch, nghỉ dưỡng ở Việt Nam là thiếu thông tin và không minh bạch. Khu vực nào thuộc vùng lõi, khu vực nào ở vùng đệm có thể phát triển, bao nhiêu diện tích đất rừng cần bảo tồn giữ nguyên hiện trạng, bao nhiêu diện tích có thể khai thác... dường như vẫn còn sự mập mờ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Câu hỏi rất hay, tôi cho rằng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều cần đủ thông tin, đủ số liệu, điều tra cơ bản về các yếu tố: khí tượng thủy văn, yếu tố về chỉ thị sinh học và về con người nơi đó,...
Đúng là các thông tin này phải cần minh bạch, để người dân ai cũng có thể biết được. Khi xây dựng quy hoạch cho một vùng nào đó thì cần yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định trên, đồng thời phải xác định rõ diện tích được sử dụng, được phát triển những gì ở nơi đó, vùng nào là vùng lõi phải bảo vệ toàn phần...
Mỗi sự tác động phải đảm bảo hài hòa, không ảnh hưởng đến lợi ích chung. Ví dụ như VQG Cúc Phương – VQG đầu tiên của nước ta, được thành lập năm từ năm 1962 đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ mà vùng lõi vẫn còn những người dân sinh sống, canh tác, nuôi trồng thì rõ ràng môi trường của vùng lõi này vẫn bị ảnh hưởng.
Tương tự, VQG Cát Bà cũng thế, là VQG biển đảo đầu tiên từ năm 1984, đến nay, vẫn còn những vấn đề về giải tỏa chưa giải quyết được. Câu hỏi đặt ra rất đúng, chúng ta phải minh bạch về thông tin, không chỉ những người có trách nhiệm gìn giữ mà nhân dân thấy được giá trị của những vùng di sản sẽ cùng với chính quyền gìn giữ, đảm bảo để phát triển hài hòa.
Gần đây, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực triển khai hành động này bằng cách khoanh ra diện tích vùng đệm là bao nhiêu, giúp cho việc tiếp cận vào vùng lõi giảm đi.
Dù không mong muốn có sự mập mờ trong các thông tin quy hoạch, nhưng trên thực tế thì cũng có nhiều trường hợp đã khoanh vùng rồi nhưng vẫn có vi phạm, phải chăng tồn tại lợi ích nhóm ở đây? Đó là những câu hỏi mong sẽ sớm được giải đáp, đảm bảo mục tiêu đặt ra là phát triển hài hòa, gìn giữ lợi ích chung cho đất nước.
Gần đây, việc phát triển và bảo tồn các VQG, vùng di sản như VQG Ba Vì, VQG Tam Đảo, Quần thể danh thắng Tràng An,… với nhiều dự án khu nghỉ dưỡng lớn được hoạch định đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Liệu các quy hoạch định này sẽ dẫn tới những hệ lụy nào cho môi trường?
- Tôi đánh giá cao việc các nhà khoa học Pháp đã khám phá ra không ít các vùng tự nhiên, vùng sinh thái đẹp hoang sơ ở nước ta: những con đường lên Tây Bắc, Đà Lạt, lên các vùng cao, vùng sâu, vùng xa,... Từ sau giải phóng năm 1975 đến nay, các nhà khoa học địa lý, địa chất Việt Nam tiếp tục tìm ra những nơi rất đáng tự hào, thậm chí với sự giúp đỡ của các nhà khoa học nước ngoài, như quần thể hang động Phong Nha-Kẻ Bàng chỉ có duy nhất ở Việt Nam, được ghi vào kỷ lục thế giới, càng khiến cho bạn bè thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Qua đó, có thể thấy rằng, việc bảo tồn các VQG cũng như một số quần thể vừa kể đã được thực hiện từ lâu, đừng lãng phí thời gian thêm nữa, tập trung vào những gì mà chúng ta đang có, tiếp tục phát triển để gìn giữ và bảo tồn. Đất nước ta chịu nhiều tổn thất bởi đi qua không ít cuộc chiến tranh, bị hủy hoại do bom đạn, có những thời điểm chúng ta không đủ tiềm lực để phát triển các vùng di sản.
Thời gian vừa qua, rất tiếc là công tác quản lý các khu này chưa được như mong muốn, có những vùng không được quy hoạch tốt, phát triển ồ ạt khiến bức tranh tự nhiên bị xấu đi. Đó là những khu du lịch, những tòa nhà mọc lên không theo quy hoạch, lộn xộn, khai thác tùy tiện làm mất đi cảnh quan thiên nhiên vốn có.
Thực tế, đã có những giải pháp cụ thể được đưa ra để hạn chế tác động vào thiên nhiên, di sản trong quá trình phát triển du lịch, ngay cả những khung hình phạt cần thiết. Nhưng dường như tất cả chưa đủ sức răn đe, ngày càng có thêm nhiều các cảnh quan, môi trường sinh thái bị xâm hại và “xẻ thịt”?
- Đây là thực tế hết sức đau lòng, vì chúng ta không thiếu văn bản pháp luật, hành pháp, Chính phủ rất quyết liệt để đưa ra thông điệp mạnh, không vì mục đích phát triển kinh tế mà hi sinh môi trường, phát triển không đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là ý thức của mỗi công dân, của chính các doanh nghiệp là chủ đầu tư còn chạy theo lợi nhuận. Nếu người dân được khuyến khích làm các hành động bảo vệ từ phía chính quyền, Nhà nước thì không đến mức đó.
Tôi muốn nhấn mạnh, phải làm như trong bảo vệ môi trường, từ hiểu biết, ý thức trở thành hành động cụ thể để không xâm phạm môi trường. Xử phạt là cần thiết, nhưng khi người vi phạm có đủ năng lực tài chính thì mức phạt đó chẳng thấm vào đâu với họ. Ở một số nước, điển hình như Singapore, họ duy trì hình thức là phạt về thể diện chứ không “đánh” vào túi tiền. Người vi phạm sẽ phải tham gia lao động công ích, như mang một tấm biển phạt trước ngực, và sẽ bị đưa vào ống kính máy quay.
Tương tự như vậy, trong mảng bảo tồn, cách xử phạt cũng rất cần nghiêm minh, có thể phạt vào pháp nhân, thậm chí có thể nâng mức phạt lên khiến người vi phạm phải chấp nhận “trắng tay”, để đủ sức răn đe.
Đâu là giải pháp để Việt Nam có thể bảo tồn bền vững các di sản, cảnh quan thiên nhiên sống mãi với thời gian, thưa ông?
- “Thượng tôn pháp luật” là quan trọng nhất, muốn vậy phải có mức quy định, chỉ tiêu nhất định buộc tất cả công dân phải thực hiện.
Trong việc thực thi pháp luật, Chính phủ phải hành động quyết liệt, cụ thể. Văn bản Luật pháp đã ban hành thì những thông tư từ phía bộ, ngành, Nghị định của Chính phủ phải hướng dẫn chi tiết, có bao nhiêu diện tích được đầu tư phát triển, các mức khoanh định là như thế nào.
Trong quy hoạch cụ thể, dự án VQG, khu dự trữ sinh quyển, hay là một khu di sản tự nhiên đã được quốc tế công nhận, hoặc đang làm hồ sơ tiếp tục hoặc những vùng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tất cả đều cần chi tiết bằng văn bản công khai. Chính công dân sẽ giúp cơ quan chức năng theo dõi xem dự án đó có vi phạm gì không.
Rõ ràng trước áp lực phát triển kinh tế để bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi cách tiếp cận. Định hướng nào cho nền kinh tế phát triển bền vững ở nước ta?
- Để bảo vệ Trái đất, hành tinh xanh, nhiều tổ chức về môi trường tại Việt Nam và trên thế giới cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Cách tiếp cận hiện nay là phải làm và phát triển như thế nào để cân bằng hệ sinh thái. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, cách tiếp cận là giữ hài hòa hệ sinh thái, đơn cử như việc phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Đã đến lúc, chúng ta không chỉ tập trung phát triển cây lúa, mà cần tính toán làm sao để giữ cho được rừng ngập mặn. Giải pháp xây đê bao ngăn mặn cần được đánh giá lại, làm sao để giữ vùng sinh thái tốt, trong khi chúng ta vẫn phải tìm “tiếng nói chung” với các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma,...
Các dòng sông liên quốc gia không chỉ giúp cho sự phát triển riêng của Việt Nam, chúng ta cùng có trách nhiệm với các quốc gia khác làm tốt và tham gia vào để xây dựng, gìn giữ hài hòa tự nhiên nhằm mang lại lợi ích cho khu vực. Điều đó có nghĩa là để hướng đến phát triển bền vững, chúng ta rất cần sự cởi mở, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các nước bạn.
Tất cả các giải pháp hỗ trợ nhau, trong đó bài học về giáo dục là quan trọng nhất, phải đưa giáo dục môi trường vào bậc học nhỏ nhất rồi cao hơn nữa.
Ngoài ra, tôi mong muốn rằng ngay cả trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi tới đây, vai trò của cộng đồng cần được phát huy, cần xã hội hóa tối đa để lan tỏa thông tin và thực hiện tốt nhất quá trình phát triển, bảo tồn vùng sinh thái. Đồng thời, khai thác thông minh, hợp lý, để không bị mất đi những gì gọi là bản địa.
Nhiều năm qua, rõ ràng Việt Nam đã rất nỗ lực, tất cả văn bản về lập pháp, trong đó có Luật Đa dạng sinh học, những văn bản về mặt pháp lý liên quan, trong các hiến pháp, các văn bản Luật đã cho thấy rõ quyền con người phải được sống trong môi trường trong lành. Điều này bắt buộc các nhà chính sách, hoạch định chiến lược phải nhìn rõ ngay từ đầu, trong các quy hoạch, chiến lược đối với từng địa phương, từng vùng kinh tế, từng khu vực đặc thù để phát triển hợp lý, hài hòa và thông minh.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trương Mạnh Tiến!
Trong nhiều năm qua, hàng loạt công trình sai phạm được xây dựng tại VQG Cát Bà. Trong đó, đáng chú ý, 3 doanh nghiệp là Công ty Du lịch thủy sản thương mại Thùy Trang, Công ty CP dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa, Công ty CP Thương mại Tùng Long sử dụng khoảng 14.000 m2 đất rừng và 150 ha mặt nước biển để xây dựng và kinh doanh khi chưa có “Đề án phát triển du lịch sinh thái” được UBND TP Hải Phòng phê duyệt.
Đầu tháng 9 vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế tại các khu vực có công trình vi phạm, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, các đảo và khu vực thuộc VQG Cát Bà chỉ để phục vụ khách tham quan, tắm biển, không được phép xây dựng các công trình phục vụ khách lưu trú. Các công trình đã xây dựng vi phạm cần phải được tháo dỡ, trả lại cảnh quan môi trường...
Phúc Thanh (Thực hiện)