Chủ nhật, 24/11/2024 06:29 (GMT+7)
    Thứ năm, 09/12/2021 17:00 (GMT+7)

    Da giả được làm từ nấm thân thiện với môi trường

    Theo dõi KTMT trên

    Các nhà khoa học Mỹ phát triển một sản phẩm thay thế da thật từ sợi nấm có hình dáng và cho cảm giác không khác gì da thật. Tại COP26 ở Glasgow, lệnh cấm hoàn toàn da thú trong ngành công nghiệp thời trang đã được phát động.

    Da giả được làm từ nấm

    Được tạo bởi công ty vật liệu sinh học MycoWorks ở San Francisco, loại da giả mới được làm từ mycelium, sợi hình ống có trong nấm. Vật liệu mới thân thiện với môi trường hơn và ít gây hại cho động vật hơn da thật.

    MycoWorks hợp tác với nhiều thợ thủ công để tạo ra loại da giả giống hệt da thật. Vật liệu sử dụng mycelium cũng có khả năng phân hủy sinh học, góp phần hạn chế những tác động xấu tới môi trường của thời trang giá rẻ, theo tiến sĩ Matt Scullin, giám đốc điều hành MycoWorks.

    Da giả được làm từ nấm thân thiện với môi trường - Ảnh 1
    Da nhân tạo có thể giúp giảm bớt số lượng động vật bị giết để lấy da. (Ảnh: MycoWorks)

    Mycelium là cấu trúc rễ có thể tái tạo của nấm. Vật liệu thay thế da thật có thể sản xuất từ nấm bằng cách tận dụng phụ phẩm giá rẻ từ nông nghiệp và lâm nghiệp như mùn cưa. Đây là nguồn thức ăn tốt để mycelium phát triển. Những sợi nấm dài này có thể mọc thành lớp và thu hoạch được chỉ trong vòng hai tuần.

    Công nghệ tạo da giả được cấp bằng sáng chế của MycoWorks có tên Fine Mycelium. Loại da nhân tạo này có hình dáng và cảm giác giống hệt da thật nhưng độ bền chắc thì vượt xa. Công nghệ do MycoWorks phát triển biến đổi mycelium để đạt độ bền chắc chưa từng có. Thành phẩm cuối cùng mang tên Reishi sẽ được xử lý và nhuộm bởi công ty đối tác Curtidos Badia ở Tây Ban Nha.

    Cấm hoàn toàn da thú trong ngành công nghiệp thời trang

    Thông thường, da thường được lấy từ các loài động vật như trâu bò, cừu, dê, ngựa, trâu, lợn, hải cẩu, cá voi và cá sấu. Nhiều nhà hoạt động vì động vật đang phản đối sử dụng da thật do vấn đề đạo đức cũng như lo ngại về chặt phá rừng và khí nhà kính liên quan tới chăn nuôi gia súc.

    Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Vương quốc Anh, nhà thiết kế thời trang Stella McCartney đã kêu gọi ban hành lệnh cấm hoàn toàn da thú trong ngành công nghiệp thời trang.

    "Tôi nghĩ không nhiều người thực sự hiểu tác động kinh khủng của ngành nông nghiệp chăn nuôi đến hành tinh. Không chỉ là sự tàn ác, nông nghiệp động vật còn chiếm 18% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nó còn dẫn đến nạn phá rừng ở các hệ sinh thái quan trọng như Amazon. Sản xuất da cũng là một vấn đề liên quan đến nhân quyền. Ngành công nghiệp này đang gây hại cho chính các công nhân. Tình trạng xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển", cô nói.

    Da giả được làm từ nấm thân thiện với môi trường - Ảnh 2
    Da và lông thú trong các bộ sưu tập thời trang. (Ảnh minh họa)

    Hàng năm, theo thống kê của các tổ chức Phi Chính phủ về bảo tồn môi trường, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại để nhằm cung cấp da, lông, sừng cho ngành công nghiệp thời trang. Cái chết thương tâm của chúng có thể chỉ bị đánh đổi để tạo nên những món đồ phù phiếm, kiêu sa có thể sẽ nằm lãng quên hàng thập kỷ trong tủ quần áo bệ vệ của những quý bà sành mốt chỉ sau một vài lần sử dụng.

    Đơn cử như loài sơn dương, trên khắp thế giới chỉ còn khoảng 75.000 - 100.000 con ỏ Tây Tạng. Nó được xếp loại đang bị đe dọa tuyệt chủng. Bộ da của sơn dương được bán trên thị trường chợ đen để làm áo lông thú quý giá. Theo WWF, phải cần đến bốn con sơn dương mới may được một cái áo choàng, giá bán từ 700 - 3.500 euro.

    Giới thượng lưu cho rằng, lông và da động vật được coi là một trong những nguyên vật liệu quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Không những có giá trị cao mà nó còn đem tới vẻ sang trọng, vương giả cho người mặc. Ít có nhà thiết kế có thể nỡ lòng bỏ qua “miếng bánh ngon” này để chinh phục, móc túi các quý bà, quý ông thượng lưu lắm tiền nhiều của, những người sẵn sàng chi bộn tới hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn USD cho những trang phục lông, da thú xa xỉ.

    Theo ước tính, chi phí và năng lượng để sản xuất một chiếc áo lông thú thường tốn kém hơn. Quá trình làm khô và phơi nắng tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể và thải ra nhiều chất hóa học vào môi trường. Trong một thập kỷ qua lợi nhuận thu về được từ ngành công nghiệp này là khoảng 11 tỷ USD mỗi năm.

    Hội nhân đạo bảo vệ động vật PETA khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất”. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân tại các nước phương Tây khiến họ phải đối mặt với con số hơn 50 triệu động vật bị giết chỉ để phục vụ ngành công nghiệp thời trang.

    Nguyễn Linh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Da giả được làm từ nấm thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới