Đà Nẵng: Phát hiện và tháo gỡ nhiều bẫy thú tại bán đảo Sơn Trà
Từ đầu năm đến nay, thông qua quá trình tuần tra, kiếm soát lực lượng kiểm lâm Đà Nẵng đã phát hiện, tháo gỡ gần 500 dây bẫy bằng cáp nhỏ, gần 200 bẫy kẹp cùng nhiều loại bẫy bằng lưới sắt, bẫy lồng… dùng để săn bắt động vật hoang dã trên bán đảo Sơn Trà.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, từ đầu năm 2023 đến nay đơn vị này đã tổ chức 84 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét nhằm bảo vệ rừng tại bán đảo Sơn Trà. Qua đó, đơn vị đã phát hiện, tháo gỡ, tiêu hủy gần 500 dây bẫy bằng cáp nhỏ; gần 200 bẫy kẹp; nhiều chuồn bẫy bằng lưới sắt; bẫy lồng… và 1 số lán trại che bằng bạt. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm cũng tiếp nhận từ người dân 14 bẫy kẹp, tháo gỡ, cứu hộ 2 cá thể sóc, 1 cá thể chuột bị dính bẫy và tiêu hủy 1 cá thể chồn đã chết do dính bẫy.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp với đội liên ngành tổ chức 130 đợt ban ngày và 30 đợt ban đêm tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên các tuyến đường xung quanh bán đảo Sơn Trà. Qua đó, đã lập biên bản gần 10 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính 34 triệu đồng; buộc thanh toán chi phí trồng lại rừng hơn 4,2 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy hàng chục kg thịt heo rừng, lồng bẫy chim, dây bẫy bằng cáp nhỏ, đèn pin, bẫy kẹp, dao rựa…
Mới đây nhất, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, trong tuần qua Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tổ chức kiểm tra tình trạng đặt bẫy thú tại khu vực đường Hoàng Sa đối diện trụ điện CS15 (bãi Nam, bán đảo Sơn Trà). Qua kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện, tháo gỡ, thu giữ 6 bẫy lồng, 1 bẫy kẹp dùng để bẫy động vật hoang dã (các bẫy này đã cũ, rỉ sét, mục), 2 cây nguyệt quế rừng bị đào gốc.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, tình trạng người dân, du khách tự do vào ra, tham quan trên bán đảo Sơn Trà chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng xâm nhập trái phép vào rừng và nguy cơ cháy rừng dễ xảy ra.
Quang Trường