Đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút nhân tài
Chiều 4/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài, có cơ chế chính sách tốt hơn, hấp dẫn
Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk): Việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này?
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt về giao biên chế sự nghiệp, Bộ trưởng Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm Bộ không có thẩm quyền; Bộ chỉ có đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên.
Tới đây, Bộ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa -Vũng Tàu) tranh luận, cho rằng Bộ trưởng Nội vụ trả lời về chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã chưa thỏa đáng. Xin Bộ trưởng nêu trách nhiệm việc này thuộc bộ, ngành nào, bởi đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết? Giải pháp nào cho chị em nữ hoạt động không chuyên trách cấp xã được thụ hưởng chính sách đầy đủ?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ tiếp thu và trao đổi với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về vướng mắc cán bộ nữ không chuyên trách hoạt động ở cấp xã chưa được hưởng Bảo hiểm bắt buộc và chính sách liên quan.
Cần có chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người, quy luật trị quốc muôn đời. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ để biến chủ trương này thành các quy tắc xử sự chung với toàn bộ máy nhà nước?
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Trà khẳng định đây là 2 ý mà Bộ Nội vụ quan tâm rất sâu sắc. Chúng ta đều biết, có thể nói trọng dụng nhân tài là truyền thống của dân tộc ta. Điều này thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện, kết luận,… Đại hội 13 vừa qua cũng nhấn mạnh việc này.
Nhìn ra thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều chú trọng và khuyến khích nhân tài.
Để cụ thể hoá chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 140 triển khai thực hiện. Trong thời gian thực hiện từ 2018 tới nay chưa nhiều, mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Nhưng các địa phương rất chú trọng việc này. Đó là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… thông qua HĐND xây dựng chính sách phù hợp trọng dụng nhân tài. Các địa phương đã thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gần 3.000 người. Thực tiễn này quá ít ỏi, số lượng này làm việc trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài, có cơ chế chính sách tốt hơn, hấp dẫn hơn.
Thủ tướng đang đôn đốc để làm sao năm tới 2023 sẽ có nghị định bao quát hơn, để có bộ chính sách để trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, đương nhiên khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Việc này các đại biểu cũng đang mong đợi, vì chưa có cơ chế này, trong khi hệ thống thể chế có những mặt chưa đồng bộ, có mặt xung đột lẫn nhau, chưa đảm bảo đồng bộ cho cán bộ làm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang xây dựng một nghị định để cụ thể hoá Kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Về vấn đề sắp xếp tuyển dụng tri thức trẻ thuộc “Đề án 500”, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt câu hỏi về việc đề án 500 tri thức trẻ tình nguyện tại các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2020 đã hoàn thành. Giải pháp khắc phục tình trạng phần lớn số trí thức này chưa được sắp xếp công việc phù hợp?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, theo kế hoạch, sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, số tri thức thuộc Đề án trên sẽ được bố trí công tác. Tuy nhiên năm 2020 có yêu cầu về sắp xếp tinh giản biên chế, do vậy 34 tỉnh có số hội viên đến công tác chưa thể bố trí hết được vị trí công tác. Hiện mới bố trí được 114 người, đạt 25,6%.
Do vậy, cuối năm 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết 136 để tiếp tục sử dụng những tri thức trẻ này, đồng thời giao địa phương có kế hoạch tuyển dụng hoàn thành trước 31/12/2025.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay: “Hiện nay, các bạn đang thực hiện theo chính sách Chính phủ đã quy định, đồng thời thống nhất với địa phương để tuyển dụng khi có biên chế đảm bảo công việc, đời sống”.
Huyền Diệu