Chủ nhật, 24/11/2024 05:25 (GMT+7)
Thứ tư, 25/09/2024 06:15 (GMT+7)

Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang

Theo dõi KTMT trên

Dự án chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển của địa phương.

Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 siết chặt những quy định về thu hồi đất nếu chủ đầu tư không làm đúng cam kết. Cụ thể, đối với những dự án không hoặc chậm triển khai sẽ chịu cơ chế thu hồi đất rất nghiêm ngặt.

Theo đó, luật mới quy định chậm so với tiến độ dự án đã đăng ký, sau 48 tháng kể từ ngày doanh nghiệp cam kết đưa dự án vào hoạt động (trừ trường hợp thiên tai, bất khả kháng…), Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi hoàn.

Bên cạnh đó, áp dụng đối với đất để thực hiện dự án đầu tư không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng. Hết thời hạn được gia hạn chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng dự án chậm triển khai đã và đang diễn ra tại khắp các địa phương trên cả nước. Vấn nạn này không chỉ kéo theo nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, mà còn gây lãng phí nguồn lực đất đai và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định, những điểm mới của Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho hàng ngàn “dự án treo”. Tuy nhiên, có lẽ, để làm được điều này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Hiện nay, ở nhiều địa phương đều xuất hiện tình trạng các dự án “treo”. Và những dự án “treo” này gây ra hệ lụy ở nhiều mặt như: Người dân thì không làm được gì vì đất đã nằm trong phạm vi quy hoạch, còn nhà nước thì không thu được tiền thuế bởi doanh nghiệp không đầu tư thì không có cơ sở để tính thuế. Từ đó dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất, môi trường đầu tư khu vực đó bị cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân trong khu vực.

Tại Thanh Hóa, Dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang được đánh giá sẽ giúp huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phát triển du lịch, tạo ra nhiều việc làm cho hàng nghìn hộ dân địa phương. Thế nhưng đến nay đã gần 16 năm qua kể từ khi được phê duyệt, dự án này vẫn chưa có lời hẹn về đích.

Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang - Ảnh 1
Dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang từng được kỳ lọng sẽ giúp huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phát triển du lịch.

Nhiều lần điều chỉnh dự án

Dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang do Công ty TNHH SoTo làm chủ đầu tư, với diện tích sử dụng đất là 100,92ha; tổng vốn đầu tư khoảng 217,38 tỷ đồng. Dự án có vị trí nằm dọc đường bờ biển dài 2,5km trên địa bàn 3 xã Quảng Lợi (nay là xã Tiên Trang), Quảng Thạch, Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008.

Đây là dự án khu du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch xây dựng các khu chức năng gồm: Khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại, khu vui chơi- giải trí sinh thái... Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đầu tiên vào năm 2008, đến nay đã điều chỉnh GCNĐT, lần thứ 5, ngày 5/7/2021. Theo đó, UBND huyện Quảng Xương có trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho Công ty SOTO trong tháng 12/2022, để khởi công dự án vào tháng 1/2023.

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và gia hạn, dự án này bị người dân phản ánh gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của họ. Bên cạnh đó, hệ luỵ đang để lại của sự chậm trễ này là nhiều hộ dân tại xã Quảng Thạch chưa được cấp GCNQSDĐ hoặc đã có GCNQSDĐ nhưng cùng chung một cảnh ngộ là không được xây dựng công trình kiên cố dù nhà cửa đã lụp xụp, dột nát.

Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang - Ảnh 2
Bên trong dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang.

Theo tìm hiểu, Công ty SOTO tên đầy đủ là Công ty TNHH SOTO, có địa chỉ tại Đô thị Công nghiệp du lịch biển Tiên Trang, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá, do ông Phạm Đình Hải là người đại diện pháp luật.

Ngày 28/10/2008, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3398, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án: Đầu tư xây dựng Khu du lịch Tiên Trang, huyện Quảng Xương của Công ty TNHH SOTO (chủ đầu tư dự án).

Sau đó 1 tháng, ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Thanh Hóa ký chứng nhận cho Công ty TNHH SOTO - Chi nhánh Thanh Hóa: Đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khu du lịch biển Tiên Trang. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 2612000018. Tiến độ thực hiện dự án: 3 tháng sau khi hoàn thành các thủ tục, khởi công sau 9 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh thay đổi lần thứ nhất ngày 9/4/2009 đã chứng nhận cho Công ty TNHH SOTO - Chi nhánh Thanh Hóa: Đầu tư xây dựng Đô thị du lịch biển Tiên Trang.

Dự án còn ngổn ngang và dang dở

Một người dân hiện đang trú tại xã Tiên Trang chia sẻ: “Gia đình tôi về Tiên Trang ở ba đời nay. Khi biết tin có quy hoạch chung để phát triển du lịch, chúng tôi rất mừng vì quê hương có cơ hội thay da đổi thịt, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đợi mãi đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang - Ảnh 3
Dự án vẫn còn dở dang.

Theo ghi nhận của Phóng viên vào những ngày đầu tháng 9/2024, khu vực dự án mới chỉ xây dựng một khu quảng trườn. Một số điểm nằm trong khu vực dự án đã được xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, các căn hộ biệt thự kiên cố. Và đặc biệt, các tuyến hệ thống đường giao thông đang còn dở dang.

Phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đang mọc đầy cỏ dại. Nhiều ngôi nhà nằm trong khu vực dự án cũng chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB). 

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, dự án chậm tiến độ gây thiệt hại nhiều mặt về cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Cách tiếp cận tính toán thiệt hại kinh tế bằng tiền tệ nêu trên là hướng cần được quan tâm, xem xét, đưa vào áp dụng làm rõ mức độ thiệt hại/lãng phí của các dự án chậm tiến độ.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, các chủ dự án và cơ quan quản lý dự án cần tiến hành tính toán thiệt hại để cùng tìm biện pháp khắc phục. Các cơ quan báo chí cũng có thể áp dụng phương pháp chi phí/lợi ích tựa cơ hội để ước tính và cảnh báo mức thiệt hại khi đất đai bị bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Nếu có cơ sở dữ liệu về giá trị đất đai do cơ quan nhà nước hoặc ngoài nhà nước xây dựng thì ước tính này só tính thuyết phục cao hơn và cảnh báo, đánh giá về dự án chậm tiến độ sẽ có tác dụng hơn.

Theo thông tin trên Báo Giáo dục Thời đại, năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có ký Quyết định “về việc thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp và đất rừng sang đất phi nông nghiệp tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương”, nêu rõ: “Cho phép SOTO chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích chuyển đổi 425.604m2 do SOTO chuyển nhượng từ cá nhân và 23.027m2 thu hồi từ UBND xã quản lý”. Cụ thể, Quyết định 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2015. Riêng diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch tại huyện Quảng Xương là 467,70 ha. Trong đó, diện tích hiện tại đã có rừng là 268,70 ha, diện tích chưa có rừng là 199 ha.

Cũng theo thông tin trên tờ báo này, theo Quyết định số 3230/QĐ-UBND (phê duyệt Quy hoạch 3 loại rừng ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2025) ngày 29/8/2017, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 ha. Đáng chú ý, diện tích 64,28 ha này đều là rừng trồng mới. Còn diện tích 268,70 ha đã có rừng (theo quyết định 2755) đã không còn thể hiện trên quyết định mới.

Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang - Ảnh 4
Bên ngoài dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang.

Ông Lê Xuân Từ, một người dân sống gần dự án bức xúc: “Chúng tôi đã sống trong cảnh ăn không ngon, ở không yên gần 20 năm vì dự án còn dang dở”. Còn anh Lê Văn Thịnh xã Quảng Lợi nói rằng: “Chúng tôi chưa được nhìn thầy công bố bản đồ quy hoạch cụ thể là diện tích để làm dự án là bao nhiêu, và đất của người dân chúng tôi có bị vào quy hoạch của dự án hay không. Chúng tôi chỉ biết trọng tâm chính của dự án này diễn ra tại xã Tiên Trang, còn mở rộng tới chỗ nào vào dự án chỗ nào không vào dự án thì không ai biết”.

Chủ đầu tư nói gì?

Sáng 24/9, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Phạm Đình Hải, người đại diện pháp luật Công ty TNHH SOTO (Chủ đầu tư dự án) nói rằng, hiện nay dự án đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Những vấn đề này doanh nghiệp cũng đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Doanh nghiệp cũng nói rõ quan điểm là không có từ "xin" chỉ có từ đề nghị để làm cái này, làm cái kia nhưng chính quyền chưa giải quyết. Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị. Hôm nay, tôi sẽ làm một đề nghị cuối cùng gửi đến UBND tỉnh trình bày rõ quan điểm của doanh nghiệp. Nếu trong trường hợp UBND tỉnh không giải quyết chúng tôi xin đề nghị lên Thủ tướng. Còn về các phần khác thì phóng viên làm việc với chính quyền địa phương để lấy thêm thông in”, ông Hải nói.

Để làm rõ thông tin, ngày 24/9, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Nguyễn Huy Nam, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương. Ông Nam cho biết sẽ cử cán bộ phụ trách trao đổi và cung cấp thông tin cho phóng viên.

Chuyên gia pháp lý: Dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, lãng phí tài chính của chủ đầu tư

Dưới góc nhìn pháp lý về các dự án chậm tiến độ, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco nhấn mạnh, các dự án chậm tiến độ gây lãng phí lớn về tài nguyên đất của Nhà nước, tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách Nhà nước; làm méo mó hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

"Việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội. Nhìn tổng quan, đó là thứ mà chúng ta đang rất yếu", Luật sư Phong nhận định.

Theo Luật sư Hà Huy Phong, chúng ta cần hoàn thiện lại hệ thống quy phạm pháp luật, bổ sung thêm các quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong việc thu hồi dự án treo, dự án không triển khai. Trong đó làm rõ vấn đề xử lý quyền tài sản của chủ đầu tư trên đất và trách nhiệm của chủ đầu tư buộc phải thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ về tiến độ triển khai dự án.

Ngoài ra, cần có các quy định pháp luật nghiêm minh hơn, cụ thể hơn để xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu ở các địa phương. Sự thiếu quyết liệt và thoả hiệp của cán bộ quản lý địa phương là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự án chậm tiến độ.

Minh An

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá hiện trạng DA chậm tiến độ ảnh hưởng đến tài nguyên: Nhìn từ dự án KĐT Tiên Trang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới