'Danh sách đỏ' thêm một cái tên
Theo một báo cáo của Liên đoàn quốc tế về bảo tồn tự nhiên (IUCN) công bố ngày 9/12, ít nhất 16% trong số 6.016 loài chuồn chuồn hiện còn lại trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.
Môi trường sống của chuồn chuồn bị hủy hoại
Các vùng đất ngập nước - môi trường sống của các loài chuồn chuồn - bị hủy hoại đang đe dọa trực tiếp sự sinh tồn của loài này.
Theo một báo cáo của Liên đoàn quốc tế về bảo tồn tự nhiên (IUCN) công bố ngày 9/12, ít nhất 16% trong số 6.016 loài chuồn chuồn hiện còn lại trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là báo cáo đầu tiên đánh giá về tác động của môi trường đối với sự sống của chuồn chuồn.
Báo cáo nêu rõ hoạt động mở rộng đất nông nghiệp và đô thị hóa trên toàn cầu đã hủy hoại và thu hẹp môi trường sinh sản của chuồn chuồn như các đầm lầy, sông suối tự nhiên. Điều này đã khiến số lượng chuồn chuồn suy giảm.
Bà Craig Hilton-Taylor, người đứng đầu bộ phận lập "Danh sách Đỏ" các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng của IUCN cho rằng số loài chuồn chuồn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên thực tế có thể lên tới 40%, cao hơn nhiều so với con số 16% nêu trong báo cáo.
Thông qua báo cáo này cùng với "Danh sách Đỏ" cập nhật các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng trên thế giới, Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle nhấn mạnh sự cấp thiết bảo vệ vùng đất ngập nước trên thế giới và môi trường trú ngụ và sinh sản của chuồn chuồn.
Ông cảnh báo đất ngập nước đang có tốc độ biến mất nhanh gấp 3 lần so với đất rừng.
Hội nghị về đất ngập nước Ramsar năm 2019 từng công bố báo cáo cho biết, 35% đất ngập nước, trong đó có sông, hồ, đầm lầy, đất than bùn cũng như các vùng sinh thái biển như đầm phá, rừng ngập mặn, rạn san hô hay biển, đã bị mất đi trong khoảng thời gian từ năm 1970 và 2015.
Đất ngập nước có giá trị rất đặc biệt vì có khả năng lưu giữ carbon, ngăn chặn lũ lụt và cung cấp môi trường sống cho 1/10 số loài động vật được biết đến trên thế giới. Do đó, việc bảo vệ hệ sinh thái này là vấn đề cấp bách toàn cầu vì môi trường sống của các loài động vật và con người.
Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Những vùng đất ngập nước, những khu Ramsar là ngôi nhà của hàng nghìn loài sinh vật, là nguồn sống của hàng triệu người… Có lẽ vậy, Ramsar được ví như động lực của sự sống.
Các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống trên hành tinh của chúng ta. Đất ngập nước cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, bao gồm cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch… Lúa gạo được trồng từ các vùng đất ngập nước là nguồn lương thực chủ yếu cho khoảng 3 tỉ người, chiếm khoảng 20% nguồn tiêu thụ dinh dưỡng toàn cầu.
Các vùng đất ngập nước còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; Là nơi nghỉ dưỡng, giải trí và đóng góp đáng kể trong sự phát triển của ngành du lịch. Đến nay, các vùng đất ngập nước cung cấp sinh kế cho hơn 1 tỉ người trên thế giới.
Đặc biệt, đất ngập nước có khả năng dự trữ các bon (các vùng đất than bùn chứa đựng 30% lượng các bon ở mặt đất), điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu.
Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; 40% các loài sinh vật trên Trái Đất sinh sống và sinh sản ở các vùng đất ngập nước. Đa dạng sinh học vùng đất ngập nước góp phần làm sạch nguồn nước, chất ô nhiễm; Bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển.
Dù quan trọng như vậy, song đất ngập nước trên Trái Đất đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đến nay, đất ngập nước của thế giới đã biến mất đi 64% kể từ năm 1900. Nếu tính từ năm 1700, nhân loại đã bị mất xấp xỉ 87%. Cùng với sự suy giảm đất ngập nước, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), các quần thể thủy sinh vật đã giảm đi 76% trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2010.
Tình trạng này vẫn có chiều hướng gia tăng nếu thiếu các hành động mạnh mẽ để bảo tồn đất ngập nước ở các quốc gia. Suy thoái quá mức của đất ngập nước sẽ dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái, đe doạ đến an ninh lương thực và sự phát triển của xã hội loài người.
Nguyễn Linh (T/h)