Chủ nhật, 24/11/2024 05:26 (GMT+7)
Thứ hai, 27/06/2022 11:57 (GMT+7)

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà

Theo dõi KTMT trên

Đảo dẫu xa, nhưng lòng người không xa. Bởi đất liền luôn hướng về biển đảo.

Và giữa biển khơi, “nơi đầu sóng ngọn gió”, tình quân dân gắn bó keo sơn, Đảng, nhà nước, chính quyền giúp dân ra sức phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vùng biển nước ta rộng hơn 01 triệu km2, với trên 4.000 đảo lớn, nhỏ. Ngoài hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thiêng liêng, nước ta còn có nhiều hòn đảo nằm ở những vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hệ thống đảo và quần đảo của nước ta có vị trí, vai trò hết sức quan trọng tạo không gian sinh tồn cho đất nước, dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển với các ngành: năng lượng tái tạo, vận tải biển, đóng tàu, ngư nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành quốc gia biển vững mạnh.

Tạp chí Kinh tế Môi trường số tháng 5/2022 trân trọng giới thiệu một số đảo, quần đảo thuộc vùng biển Việt Nam.

Quần Đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Nằm ở phía cực Bắc của Tổ quốc, Cô Tô được xem là “phên dậu” bảo vệ Tổ quốc từ hướng Bắc. Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo thuộc huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 46,2km². Quần đảo Cô Tô có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, là nơi duy nhất được Bác Hồ lúc sinh thời đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người ra thăm đảo vào ngày 9/5/1961.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 1
Một góc thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô. (Nguồn: baoquangninh)

Gần 10 năm trước, Cô Tô thưa người, khung cảnh còn hoang sơ thì nay là nơi sầm uất giữa bốn bề sóng nước. Hàng ngàn ngôi nhà mái bằng mọc lên từ triền núi, san sát nhau. Bước đột phá để “đánh thức” huyện đảo tiền tiêu này là từ cuối năm 2013, Cô Tô đón dòng điện lưới quốc gia, cũng là lúc hoạt động du lịch Cô Tô khởi sắc.

Theo thống kê của UBND huyện Cô Tô, nếu như năm 2012, huyện đảo chỉ đón khoảng 35.000 lượt khách du lịch, du khách nếu nghỉ lại đảo thì cũng chỉ nghỉ một đêm, thì năm 2013 - năm đầu tiên có điện lưới, khách du lịch đã tăng lên hơn 56.000 lượt và liên tục tăng qua các năm. Ngành du lịch đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Cô Tô, tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 bình quân đạt 15,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ nông-lâm-ngư nghiệp sang thương mại, du lịch, dịch vụ (tỷ trọng thương mại, du lịch, dịch vụ hiện chiếm gần 70%); người dân được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục đầy đủ; quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường...

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 2
Cô Tô trên lộ trình trở thành khu du lịch sinh thái biển cao cấp quốc gia. (Nguồn: baoquangninh)

Huyện đảo Bạch Long Vỹ

Bạch Long Vĩ là một huyện đảo của TP.Hải Phòng, là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc bộ, cách đất liền hơn 130 km. Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển của nước ta ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 3
Toàn cảnh đảo Bạch Long Vĩ - hòn đảo xa nhất Vịnh Bắc Bộ. (Nguồn: baotintuc)

Huyện Bạch Long Vĩ chính thức được thành lập ngày 9/12/1992 nhưng đến ngày 26/3/1993, bộ máy chính quyền lâm thời mới ra đảo nhận nhiệm vụ, với 20 cán bộ, công chức, 15 đảng viên và 62 đội viên Thanh niên xung phong. Cũng chính vì lý do này mà Bạch Long Vĩ được mang tên “đảo Thanh niên”.

Bạch Long Vĩ được coi là “Trường Sa thứ hai” của người dân Hải Phòng do cách xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt. Song, quân và dân huyện đảo luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng đảo mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, đẹp về cảnh quan môi trường, vững mạnh về quốc phòng an ninh.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 4
Bãi tắm trên đảo Bạch Long Vỹ vẫn còn hoang sơ, nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch. (Nguồn: baotintuc)

Trải qua gần 30 năm phát triển, nhờ sự đầu tư của Trung ương, của TP.Hải Phòng, cùng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó của quân và dân, của cán bộ, công chức huyện, đội viên TNXP, huyện đảo Bạch Long Vĩ thực sự đã “thay da đổi thịt”. Từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi thay bằng màu xanh của cây cối; những công trình xây dựng dự án lọc nước biển thành nước ngọt; quy hoạch khu vực nuôi bào ngư... đảo Bạch Long Vĩ trở thành một trung tâm chế biến và dịch vụ nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ.

Đảo Mắt (Nghệ An)

Đảo Mắt thuộc thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đảo Mắt cách đất liền 24km, cao 218m so với mực nước biển, diện tích 2,2km2. Đảo Mắt có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An và Bắc Trung bộ. Người lính đóng quân trên hai hòn đảo tiền tiêu xứ Nghệ được ví như những đôi mắt thần ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, giữ vững bình yên vùng biển đảo tiền tiêu xứ Nghệ.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 5
Cờ Tổ quốc trên Đảo Mắt tung bay giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. (Nguồn: baoquankhu4)

Mới đây (ngày 23/5/2022), khi bình mình ôm trọn biển cả, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn hỗn hợp Đảo Mắt, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cùng Đoàn viên, thanh niên Tỉnh Đoàn Nghệ An, Thành Đoàn Vinh đã tổ chức lễ chào cờ trên Đảo Mắt. Đây là một trong những nghi lễ của Chương trình giao lưu “Hành trình thanh niên làm theo lời Bác" năm 2022 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An, Thành Đoàn Vinh phối hợp tổ chức. Thông qua các hoạt động của chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần khơi dậy và vun đắp tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo đối với thế hệ trẻ.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 6
Với tinh thần "Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ", bộ đội Đảo Mắt luôn là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. (Nguồn: baoquankhu4)

Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

Cồn Cỏ là huyện đảo thuộc vùng biển tỉnh Quảng Trị, có vị trí thuận lợi về địa - kinh tế: vừa gần đất liền vừa có thể mở hướng vươn khơi thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo. Đồng thời Cồn Cỏ còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng thủ lãnh hải, lãnh thổ và phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống đảo và hải đảo Việt Nam.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 7
Một góc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Tuy diện tích không lớn, nhưng Cồn Cỏ có hệ thực vật rừng và biển đa dạng. Điểm nhấn là các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ sụn san hô, sò điệp, cát... Đặc biệt, nơi đây có khí hậu trong lành và hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng trên đảo vẫn còn nguyên trạng, được gìn giữ và bảo vệ tốt. Đây chính là những yếu tố “vàng” để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch hoài niệm, du lịch xanh.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 8
Một góc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh là 2 nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển của đảo Cồn Cỏ. Theo đó, trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện tập trung bổ sung, hoàn chỉnh công tác quy hoạch, thống nhất theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 9
Cồn Cỏ hứa hẹn sẽ trở thành một điểm du lịch hút khách trong thời gian tới.

Quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng)

Hoàng Sa có nghĩa là “Cát vàng", là tên do người Việt đặt cho quần đảo này. Từ xưa, quần đảo Hoàng Sa đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng, vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triều lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà nói là nhiều hay ít.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 10
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức các Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt sóng ra cắm mốc, xác lập và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đến nay, các tư liệu lịch sử đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, vào các năm: 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước ta đã công bố ba cuốn Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này chứng minh hết sức rõ ràng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên hai quần đảo, cả về lịch sử, pháp lý và thực tiễn. Luật Biển Việt Nam được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã xác định rõ “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa…thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. 

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 11
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức các Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt sóng ra cắm mốc, xác lập và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Cách đây 40 năm, ngày 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên bộ máy quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa được nâng từ cấp xã lên cấp huyện, đồng thời là hành động của Nhà nước Việt Nam khẳng định tính pháp lý về quyền quản lý lãnh thổ một cách liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1997, huyện Hoàng Sa được giao cho TP. Đà Nẵng quản lý. Việc giao trực tiếp cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (sau đó là TP. Đà Năng) quản lý vừa xác lập quyền, giao trách nhiệm quản lý cho chính quyền địa phương, vừa thể hiện sự quản lý liên tục của Việt Nam với vùng biển này, vừa gắn với quá trình lịch sử lâu đời của ngư dân khu vực miền Trung vốn ngàn đời nay đã sinh tồn trên ngư trường Hoàng Sa.

Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, Hội An được xem là một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh Quảng Nam. Cù Lao Chàm sở hữu nguồn tài nguyên phong phú và có giá trị lớn cả về tự nhiên lẫn nhân văn. Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) vào năm 2009. Quần đảo Cù Lao Chàm nằm trong tổng thể DTSQTG Cù Lao Chàm - Hội An với những đặc trưng về địa lý, địa chất, lịch sử hình thành và một hệ sinh thái rừng tự nhiên độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Cụm đảo là phần kéo dài về Đông Nam của khối đá granit (đá hoa cương) Bạch Mã – Hải Vân - Sơn Trà mà các nhà địa chất học gọi là “phức hệ địa chất Hải Vân - Sơn Trà” được hình thành cách đây 230 triệu năm, là điểm cuối cùng của hệ sinh thái Trung Trường Sơn. Đây là 1 trong 20 hệ sinh thái ưu tiên bảo tồn toàn cầu.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 12
Một góc Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Chính sự độc đáo về địa hình, đa dạng về sinh học cùng với tài nguyên bản địa phong phú đã khiến Cù Lao Chàm trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước; du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo ở mơi đây. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin Hội An, tỉ lệ tăng trưởng về du lịch của Cù Lao Chàm tăng dần qua mỗi năm.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 13
Một góc Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Sự phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế địa phương nhưng cũng gây sức ép lên cơ sở hạ tầng cũng như tài nguyên du lịch và tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững với các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường và dựa vào cộng đồng địa phương là một trong những hướng đi mà Cù Lao Chàm cần tiếp tục thực hiện triệt để, nhằm tối đa hóa lợi ích của du lịch đồng thời bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa và đa dạng sinh học tại nơi đây.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý, diện tích hơn 10 km2, dân số khoảng 22.000 người. Với mọi người dân nước Việt, nhắc đến hòn đảo Lý Sơn, trong tâm thức lại vang vọng hình bóng tiền nhân, những tráng đinh vâng mệnh triều đình đóng thuyền mở cõi Hoàng Sa, Trường Sa. Từng đình làng, dòng tộc trên đảo gìn giữ những bản sắc phong như báu vật. Tinh thần yêu biển của người Lý Sơn được kết tinh qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, trong từng câu đối nơi đền thờ, miếu mạo…

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 14
Hành tím là nông sản đặc trưng của đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Quá khứ oai hùng là nền tảng cho Lý Sơn vững vàng tiến lên phía trước. Trong huyết quản của người dân Lý Sơn luôn có sự hào sảng của đại dương, sự kiên cường của cư dân nơi đầu sóng ngọn gió. Những con tàu vươn khơi từ Lý Sơn hướng đến Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ khai thác hải sản, mà còn khẳng định chủ quyền trên biển.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 15
Cung đường tuyệt đẹp trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). (Ảnh: Vietnam+)

Xác định vị trí chiến lược của Lý Sơn trong thế trận bảo vệ an ninh vùng biển đảo và thềm lục địa, Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015 - 2020 trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm như vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn II); Dự án đường cơ động phía Đông Nam đảo Lý Sơn (giai đoạn II); Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Lý Sơn; Dự án đường cơ động xung quanh đảo lớn, đảo bé, kết hợp kè biển chống sạt lở; dự án các tuyến đê biển; Dự án cảng Bến Đình; Dự án nâng cấp bệnh viện quân dân y kết hợp; Trung tâm y tế dự phòng; Dự án cấp nước (giai đoạn II).

Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa)

Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm rải rác trong phạm vi biển, khoảng từ vĩ tuyến 6030’ Bắc đến 12000’ Bắc và khoảng từ kinh tuyến 111030’ Đông đến 117020' Đông. Quần đảo Trường Sa được chia làm tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao khoảng 4 - 6m lúc thủy triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km2). Ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. 

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 16
Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có thế mạnh đã được phát huy tốt đem lại hiệu quả to lớn như dịch vụ hậu cần nghề cá. (Trong ảnh: Âu tàu đảo Sinh Tồn - Ảnh: baohaiquan)

Tháng 4/2007, Chính phủ quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Huyện đảo Trường Sa có diện tích khoảng 500km2 (gồm thị trấn Trường Sa cùng hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn) là huyện đảo nằm xa đất liền nhất. 

Huyện có thế mạnh đã được phát huy tốt, đem lại hiệu quả to lớn như dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tại các âu tàu của huyện có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật. Trong khi đó, trung tâm dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tổ chức được nhiều đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo để cung ứng cho ngư dân.

Nhờ thế, việc khai thác nguồn tài nguyên xa bờ tốt hơn, giảm mật độ khai thác gần bờ, tăng sản lượng khai thác hải sản... Với những hoạt động cung ứng nước ngọt, khám chữa bệnh cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn cho tàu thuyền... của quân dân Trường Sa, huyện đảo thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 17
Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có thế mạnh đã được phát huy tốt đem lại hiệu quả to lớn như dịch vụ hậu cần nghề cá. (Trong ảnh:  u tàu đảo Sinh Tồn - Ảnh: baohaiquan)

Cùng với Trung tâm hậu cần nghề cá trên biển, huyện đảo Trường Sa đang được quan tâm để phát huy các thế mạnh khác. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xác định: "Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước...”. Tỉnh Khánh Hòa xác định, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo, như nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao; từng bước khai thác thế mạnh du lịch biển;...

Đảo Phú Quý (Bình Thuận)

Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý phong cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ với các bãi tắm đẹp.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 18
Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) gần đất liền hơn nhờ hệ thống hệ thống tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa đang hoạt động thường xuyên. (Ảnh: Báo Giao thông)

Hiện nay, tuyến vận tải hành khách Phan Thiết - Phú Quý đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa với 3 tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa đang hoạt động thường xuyên... Giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, du khách khắp nơi trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế đến đảo ngày một đông để công tác, nghiên cứu lịch sử, ngắm cảnh thiên nhiên... Đây cũng là cầu nối quan trọng góp phần đưa Phú Quý gần hơn với đất liền, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 19
Đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) gần đất liền hơn nhờ hệ thống hệ thống tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa đang hoạt động thường xuyên. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Phú Quý của UBND tỉnh, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành Khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tiềm năng văn hóa biển. Từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững và đến năm 2030, sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Khu du lịch cấp tỉnh, là Khu du lịch biển đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Côn Đảo có Vườn quốc gia (VQG) với hệ thống rừng đặc dụng có tổng diện tích tự nhiên hơn 19.883 ha cùng hệ động, thực vật, sinh thái biển tự nhiên phong phú, đa dạng; cũng là nơi bảo tồn và cứu hộ rùa biển nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực. Năm 2013, VQG Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar của thế giới, Khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam; thành viên chính thức của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương- Đông Nam Á…

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 20
Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. (Trong ảnh: Nghĩa trang Hàng Dương)

Côn Đảo còn là mảnh đất chứng kiến và lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng lớn lao của đất nước. Hàng loạt di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như : Nhà tù Côn Đảo, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương… đã được trùng tu, gìn giữ để giới thiệu cùng du khách những dấu ấn lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 21
Khu vực cảng Bến Đầm - huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn từ trên cao. 

Với những tiềm năng đó, Côn Đảo là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tiềm năng du lịch của huyện đảo ngày càng được khai phá khi cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện; Côn Đảo hiện đã có đa dạng phương thức giao thông kết nối như: các tuyến bay kết nối từ Hà Nội, TP. HCM đến Côn Đảo, tuyến trực thăng Vũng Tàu – Côn Đảo, các tuyến vận tải tàu tốc từ Vũng Tàu và Sóc Trăng…

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 22
Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. (Trong ảnh: Nghĩa trang Hàng Dương)

Tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn nhưng Côn Đảo cũng đang đối diện nhiều thách thức, nhất là vấn đề môi trường. Hiện nay Côn Đảo đang gặp khó khăn trong xử lý rác thải, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch, đe dọa toàn diện cuộc sống của người dân và ảnh hưởng tới sự phát triển ngành dịch vụ-du lịch của Côn Đảo. Hệ sinh thái của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu…Từ những lợi thế cũng như thách thức Côn Đảo đang gặp phải, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ hàng đầu.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 23
Hoàng hôn Côn Đảo nhìn từ cảng Bến Đầm. 

Đảo Phú Quốc (Kiên Giang)

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngày 17/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II.

Đảo xa - Đảo vẫn là nhà - Ảnh 24
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang hướng tới trở thành thành phố du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam. (Trong ảnh: Một góc bãi Kem, TP.Phú Quốc)

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Phú Quốc có được một nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Bên cạnh rừng, những nguồn tài nguyên khác như tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước,… cũng có tiềm năng lớn để khai thác phát triển kinh tế.

Để khai thác tiềm năng của Phú Quốc cho sự phát triển, trong những năm qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của huyện đảo. Ngày nay, hệ thống đường giao thông trên đảo đang phát triển nhanh chóng, cạnh đó là các tuyến vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo bằng cả đường hàng không lẫn hàng hải rất thuận tiện.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Phú Quốc (Kiên Giang) đã chỉ rõ: Sẽ xây dựng thành phố Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Theo đó, đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng cao và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Phú Quốc; xây dựng thương hiệu “Du lịch Phú Quốc” với nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo, riêng biệt, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

Một trong những vấn đề được Phú Quốc đặc biệt quan tâm là công tác bảo vệ môi trường. Phú Quốc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Hàm Ninh, di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi khu dân cư. Hoàn thành đầu tư nhà máy xử lý rác thải, nhà máy và hệ thống thu gom xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Phú Quốc hiện tại và tương lai là thành phố du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam. Việc tập trung để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sẽ giúp thành phố này sớm trở thành đô thị loại I vào năm 2025 như mục tiêu của tỉnh Kiên Giang đã đặt ra. 

Tùng Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Đảo xa - Đảo vẫn là nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới