Chủ nhật, 24/11/2024 04:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/03/2020 18:07 (GMT+7)

Đặt mục tiêu thận trọng tín dụng tăng 9%, BIDV lên kế hoạch tăng vốn năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Là ngân hàng đầu tiên tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, BIDV cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt lại phương án tái cơ cấu cho ngân hàng này theo hướng tích cực hơn.

Đặt mục tiêu thận trọng tín dụng tăng 9%, BIDV lên kế hoạch tăng vốn năm 2020 - Ảnh 1
Ngày 07/03/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đúng một ngày sau khi Hà Nội công bố ca dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV- 2, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2020 mà ban lãnh đạo trình cổ đông thông qua lần này là kịch bản tích cực nhất, dựa trên giả định dịch Covid-19 hết trong tháng 3 này.

BIDV đặt mục tiêu thận trọng tín dụng tăng 9% so với mức 14%

Theo đề nghị của BIDV, Ngân hàng Nhà nước đã ra Quyết định ban hành ngày 27/2/2020, qua đó phê duyệt phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng của BIDV theo hướng tích cực hơn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, BIDV sẽ cố gắng hết sức hoàn thành kế hoạch được đại hội giao nhưng theo hướng linh hoạt.

Cụ thể, BIDV đã công bố gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỉ đồng, tuy nhiên trước mắt chỉ triển khai khoảng dưới 30.000 tỉ đồng.

Trước sự tác động rất lớn của dịch Covid-19, nhất là với diễn biến phức tạp hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng của BIDV xuống 9% thay vì 13% như kịch bản xây dựng ban đầu của ngân hàng này. Việc điều chỉnh mức tăng trưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng chung.

Đại diện BIDV cho biết thêm, kịch bản lợi nhuận hiện tại được ngân hàng xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh hết trong tháng 3. Còn với tình hình hiện tại, ngân hàng sẽ phải xây dựng kịch bản khác phù hợp.

Thông tin tại cuộc họp, BIDV cho biết hiện chênh lệch thu chi 2 tháng đầu năm hoàn thành 16,8% kế hoạch cả năm, tương đương 5.700 tỉ đồng. Lợi nhuận đến thời điểm hiện tại đảm bảo kế hoạch nhưng sẽ còn điều chỉnh, tuỳ theo diễn biến của dịch Covid-19.

Tổng dư nợ của BIDV sẽ chiếm khoảng 140.000 tỉ đồng nếu thống kê theo các ngành có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó là nhận định của ông Lê Ngọc Lâm – Phụ trách Ban điều hành ngân hàng trước bối cảnh còn chưa thống kê được chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng.

Kế hoạch tăng vốn năm 2020

Không chỉ đặt mục tiêu thận trọng tín dụng 9%, năm 2020, BIDV trình phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm 532,9 triệu cổ phiếu, tương đương 13,3% vốn nhằm cải thiện các kết quả định hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực tài chính.

BIDV sẽ phát hành 281,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỉ lệ 7% và chào bán 8,5% cổ phần (chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng), tương đương 251,4 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, ngân hàng sẽ tăng vốn lên 45.549 tỉ đồng và tiếp tục là đơn vị có vốn lớn nhất sàn chứng khoán.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 – 2021, BIDV dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ hơn 251 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Lượng cổ phiếu này dự kiến tương đương 6,25% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2019 và có quy mô tối đa 6% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Hiện dư nợ tín dụng cá nhân của BIDV có quy mô lớn nhất hệ thống ngân hàng, khoảng 391.000 tỉ đồng và chiếm 35% tổng dư nợ tín dụng.

Năm 2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu ở mức 12.500 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%. Phương án chia cổ tức năm 2019 ở mức 7%, bằng cổ phiếu. Tỉ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 ở mức 7%.

Ngân hàng tái cơ cấu khi KEB Hana Bank trở thành cổ đônglớn

Năm 2019, BIDV triển khai thành công việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank. BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam.

Theo đó, KEB Hana Bank đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của BIDV từ ngày 6/11/2019 với tỉ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ (sau phát hành), thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm, với tổng giá trị giao dịch là 20.300 tỉ đồng. Đây là giao địch M&A với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, mở ra các cơ hội phát triển cho BIDV trong giai đoạn mới.

Sang năm 2020, việc hợp tác với cổ đông lớn KEB Hana Bank còn đạt tới một nấc thang mới khi lần đầu tiên BIDV cho biết, hiện có hơn 10 chuyên gia lớn của KEB Hana Bank đã tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các ban lớn của BIDV.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú gọi đây là “quốc tế hóa quản trị BIDV”. Với sự tham gia của cổ đông lớn này, BIDV đặt mục tiêu đổi mới ít nhất 6 lĩnh vực mà Tập đoàn tài chính Hana có thế mạnh. Bao gồm: thay đổi cung cách quản trị hệ thống; đổi mới cách thức quản trị hệ thống công nghệ thông tin và ngân hàng số, dịch vụ số; đa dạng hóa danh mục đầu tư; tăng cường quản trị rủi ro; tăng trường hoạt động bán lẻ và đào tạo nguồn nhân lực.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Đặt mục tiêu thận trọng tín dụng tăng 9%, BIDV lên kế hoạch tăng vốn năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới